NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG KHI LY HÔN

bởi Apra Law

Trong mỗi vụ việc ly hôn, bên cạnh việc giải quyết ly hôn cho vợ chồng thì Toà án đồng thời phải giải quyết việc chia tài sản chung của cặp vợ chồng đó nếu họ có yêu cầu. Các tranh chấp về chia tài sản chung thường khá phức tạp bởi nó gắn liền với quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng, một loại quan hệ kín mà nhiều vấn đề chỉ hai người mới biết được rõ ràng, cụ thể. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong việc xác định chính xác các tình tiết, lời khai của các bên để giải quyết vụ việc.

Để đảm bảo sự minh bạch, công bằng và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong vụ việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn cũng như để giảm thiểu tối đa những khó khăn của Toà án trong quá trình giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, pháp luật Việt Nam đã đưa ra các nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật này.Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật này. Trong một vụ việc ly hôn mà đương sự có yêu cầu chia tài sản chung thì Tòa án sẽ phải xem xét về chế độ tài sản của vợ chồng trước tiên.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản của vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Tài sản của vợ chồng khi ly hôn sẽ được chia theo nội dung của văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng nếu văn bản đó không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ. Với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận, thỏa thuận không rõ ràng hoặc vấn đề thuộc phần bị vô hiệu đối với thoả thuận bị vô hiệu một phần thì áp dụng nguyên tắc chia tài sản chung theo luật định. Còn những phần thỏa thuận có hiệu lực vẫn được tôn trọng và thực hiện theo văn bản thoả thuận.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản của vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định

Nguyên tắc tôn trọng sự thoả thuận của vợ chồng

Quan hệ hôn nhân và gia đình là một quan hệ thuộc lĩnh vực pháp luật dân sự, vì vậy, nguyên tắc tiên quyết trong giải quyết các vấn đề này là tôn trọng sự thoả thuận, quyền tự định đoạt của các bên trong mối quan hệ. Tức là, vợ chồng có quyền thoả thuận về việc chia tài sản chung trong quá trình giải quyết ly hôn, không phụ thuộc vào chế độ tài sản của vợ chồng là theo thoả thuận hay theo luật định. Tuy nhiên, sự thoả thuận này cần phải phù hợp với quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về hôn nhân và gia đình nói riêng.

Trong trường hợp vợ chồng không thoả thuận được và có yêu cầu Toà án giải quyết việc chia tài sản chung thì việc giải quyết vấn đề này sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các Điều 60, 61, 62, 63, 64 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Nguyên tắc đảm bảo quyền và nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba

Khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.

Nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng

Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã nêu những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó có nguyên tắc “vợ chồng bình đẳng”. Ở đây, vợ chồng bình đẳng cả về quyền và nghĩa vụ về nhân thân (Điều 17 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) cũng như bình đẳng về quyền và nghĩa vụ về tài sản. Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”. Chính vì vậy, trong trường họp không có thoả thuận phân chia tài sản, khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia theo nguyên tắc chia đôi. Tuy nhiên, để đảm bảo được tính công bằng thì Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã đưa ra các yếu tố cần phải xem xét đến khi chia tài sản chung của vợ chồng và điều khoản này được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC_BTP. Dựa vào những yếu tố này, Toà án sẽ xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia một cách hợp tình, hợp lý nhất.

Nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc chia theo giá trị được hưởng

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc. Nguyên tắc này đảm bảo việc chia tài sản sẽ không làm mất giá trị sử dụng của tài sản đó và Toà án cũng phải chú trọng việc ưu tiên chia bằng hiện vật tương ứng, chỉ khi nào không thể chia bằng hiện vật thì mới tiến hành chia cho một bên nhận hiện vật và bên này có nghĩa vụ trích chia tương ứng giá trị bên kia được nhận.

Nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản riêng của vợ chồng

Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Trên thực tế, vì mối quan hệ hôn nhân là mối quan hệ kín giữa hai vợ chồng nên việc xác định tài sản riêng không hề đơn giản vì nó phải dựa trên lời khai của hai bên vợ chồng mà nhiều trường hợp lời khai của mỗi bên là khác nhau.

Nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Ví dụ: Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu.

Như vậy có thể thấy, việc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn là một vấn đề hết sức phức tạp nên pháp luật đã đưa ra những nguyên tắc cụ thể để vừa tôn trọng được ý chí của các bên đương sự, vừa bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của họ, đồng thời cũng phù hợp với quy định chung của pháp luật.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc áp dụng các nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn đã và đang phát sinh một số vướng mắc. Có thể kể đến vướng mắc trong việc xác định công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung hay yếu tố lỗi của các bên được xem là một trong những yếu tố để xem xét khi phân chia tài sản chung của vợ chồng. Hiện nay, những việc xác định trên được hướng dẫn một cách rất chung chung, mới chỉ mang tính chất định tính chứ không có một định lượng rõ ràng dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau. 

Ngoài ra nếu theo nội dung hướng dẫn của luật thì “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn thì chỉ những lỗi trực tiếp dẫn đến vợ chồng ly hôn mới được xem xét làm căn cứ để chia tài sản chung của vợ chồng, còn những lỗi không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn thì liệu có được xem xét hay không? Ví dụ: Người chồng làm ăn thua lỗ, nghiện bia rượu, thường xuyên say xỉn, về nhà là đánh đập vợ con, phá tán tài sản để phục vụ cho nhu cầu bia rượu của mình. Nhưng người vợ vì thương con cái, không yêu cầu ly hôn mà vẫn chịu đựng chung sống nhiều năm. Sau một thời gian, không có sự chăm lo, thương yêu của chồng lại được một người đàn ông khác quan tâm, chăm sóc, người vợ đã có quan hệ tình cảm với người đàn ông đó. Người chồng phát hiện và làm đơn ly hôn. Vậy trong trường hợp này, nếu như xác định lỗi dẫn đến ly hôn là do người vợ ngoại tình và theo đúng tinh thần nội dung hướng dẫn trên thì người vợ sẽ được chia phần tài sản ít hơn nhưng trong quá trình chung sống, người chồng cũng có lỗi và lỗi đó cóđược xem xét để giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn hay không?

Trên đây là bài viết tư vấn về“Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn”của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

1 bình luận

Тегн акаунт жасау 18/03/2024 - 4:18 chiều

Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885