Chế độ tài sản của vợ chồng là một chế định quan trọng trong pháp luật hôn nhân và gia đình. Chế độ tài sản của vợ chồng tạo cơ sở pháp lý để vợ chồng thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tài sản, từ đó góp phần vào sự ổn định và bền vững của các quan hệ hôn nhân và gia đình. Luật HN&GĐ năm 2014 thừa nhận hai chế độ tài sản tồn tại song song: chế độ tài sản theo thỏa thuận và chế độ tài sản theo luật định. Bài viết dưới đây sẽ phân tích chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Sau đây gọi tắt là “Luật HN&GĐ”)
Nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản theo luật định
Thứ nhất, nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Trong cuộc sống chung, do sự gắn bó mật thiết về tình cảm, cùng chung công sức, ý chí để xây dựng đời sống chung nên vợ chồng có quyền sở hữu và hưởng thụ ngang nhau với tài sản chung. Quy định này nhằm đảm bảo công bằng cho những người vợ, chồng không tham gia vào các hoạt động tạo ra thu nhập mà thực hiện công việc nội trợ; hạn chế các trường hợp một bên lợi dụng lợi thế về kinh tế, thu nhập của mình để xâm phạm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng.
Thứ hai, nguyên tắc vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ thực hiện các giao dịch để đáp ứng nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, chỗ ở, học hành, khám chữa bệnh… cho các thành viên trong gia đình. Đối với việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì phải có sự thỏa thuận của cả hai. Nếu nhà thuộc sở hữu riêng của một bên thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho gia đình.
Thứ ba, nguyên tắc việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường. Đây là nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người thứ ba ngay tình. Theo Điều 32 Luật HN&GĐ, đối với giao dịch mà người thứ ba là ngân hàng, công ty chứng khoán thì người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người thứ ba mà còn góp phần thúc đẩy các giao lưu dân sự khi vợ, chồng có thể dễ dàng thực hiện giao dịch với người thứ ba mà không cần phải chứng minh về tình trạng hôn nhân.
Quy định về tài sản chung của vợ chồng
Thứ nhất, căn cứ xác lập tài sản chung gồm có (Điều 33 Luật HN&GĐ):
– Tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân.
– Thu nhập của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Thu nhập này là do vợ chồng lao động, thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh mà có được, như tiền lương, tiền công, lợi nhuận. Ngoài ra, còn có tiền thưởng, tiền trúng xổ số, một số loại tiền trợ cấp… .
– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân.
– Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung. Nếu trong hợp đồng tặng cho hoặc trong di chúc, chủ sở hữu tuyên bố để lại tài sản cho chung vợ chồng thì khối tài sản đó thuộc khối tài sản chung. Ngược lại, nếu chủ sở hữu tuyên bố để lại tài sản cho riêng vợ, chồng hoặc để lại cho vợ chồng nhưng xác định tỷ phần cho mỗi bên thì tài sản đó thuộc tài sản riêng của vợ chồng.
– Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân.
– Tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
– Tài sản được suy đoán là tài sản chung. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhằm hạn chế tình trạng tranh chấp về tài sản riêng mà không có chứng cứ chứng minh để giải quyết tranh chấp nên các nhà làm luật đã đặt ra quy định này.
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của các bên
Vợ chồng có quyền bình đẳng trong việc tạo lập và sở hữu với tài sản chung. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận, đối với bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản là đang tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình thì thỏa thuận này phải được lập thành văn bản.
Về việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với tài sản chung: Pháp luật quy định đối với những tài sản chung mà phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì trên giấy chứng nhận phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng, nếu có tranh chấp xảy ra thì người cho rằng đây là tài sản riêng của mình phải có nghĩa vụ chứng minh.
Ngoài ra, vợ chồng có các nghĩa vụ với tài sản chung theo quy định tại Điều 37 Luật HN&GĐ, như: nghĩa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu; nghĩa vụ từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự cha mẹ phải bồi thường,… Trách nhiệm liên đới giữa vợ và chồng cũng đặt ra đối với các nghĩa vụ tại Điều 37, trường hợp một bên thực hiện GDDS hợp pháp nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu thì cho dù bên kia không biết hoặc biết nhưng không đồng ý thì vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới.
Quy định về tài sản riêng của vợ, chồng
Thứ nhất, căn cứ xác lập tài sản riêng gồm có (Điều 43 Luật HN&GĐ):
– Tài sản của vợ, chồng có trước khi kết hôn.
– Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Nếu chủ sở hữu tuyên bố trong di chúc hoặc hợp đồng rằng sẽ để lại tài sản cho riêng vợ, chồng hoặc xác định tỷ lệ cụ thể phần giá trị tài sản mà mỗi bên được hưởng thì về nguyên tắc đó là tài sản riêng của của mỗi bên vợ, chồng.
– Tài sản được chia sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng; trừ hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản được tạo ra khi vợ, chồng thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản riêng của mình. Chẳng hạn, khi vợ, chồng dùng khoản tiền riêng của mình để mua nhà, mua ô tô thì nhà và ô tô đó thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.
– Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật là tài sản riêng của vợ, chồng, đó là: Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và những quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng:
Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình. Vợ, chồng cũng có thể tự quyết định việc quản lý tài sản đó, có thể tự mình trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác quản lý và nếu không có người được ủy quyền quản lý thì người còn lại mới có quyền quản lý tài sản đó.
Tuy nhiên, pháp luật sẽ hạn chế quyền sở hữu của vợ, chồng với tài sản riêng trong hai trường hợp: Một là, tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt này phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng; Hai là, các giao dịch liên quan tới nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự đồng ý của cả hai, trường hợp nhà thuộc sở hữu riêng của một bên thì người đó có quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải đảm bảo chỗ ở cho gia đình.
Bên cạnh các quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng được quy định như sau: “Nghĩa vụ về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó”. Các nghĩa vụ riêng theo Điều 45 Luật HN&GĐ bao gồm: nghĩa vụ mỗi bên có trước khi kết hôn; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; nghĩa vụ từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của một bên.
Ngoài các nghĩa vụ tại Điều 45 Luật HN&GĐ, vợ, chồng còn có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng. Việc đóng góp không bắt buộc phải là bằng nhau hay chồng phải đóng góp nhiều hơn vợ mà quy định một cách linh hoạt theo hướng vợ chồng đóng góp tùy theo “khả năng kinh tế của mỗi bên”.
Trên đây là bài viết tư vấn về “Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline : 024.23486234 – 0948495885