Trong việc xác định tài sản của vợ chồng, vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Trước khi kết hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau về chế độ tài sản của vợ chồng. Thỏa thuận này được lập thành văn bản và phải công chứng hoặc chứng thực. Trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận thì chế độ tài sản vợ chồng được áp dụng theo luật định. Vậy, liên quan đến các giao dịch ngân hàng, chế độ tài sản vợ chồng cần phải lưu ý những gì?
Chế độ tài sản của vợ chồng liên quan đến giao dịch ngân hàng là gì?
Chế độ tài sản của vợ chồng liên quan đến hoạt động ngân hàng có thể hiểu là việc phân chia tài sản; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong các hoạt động sau: gửi tiền vào tài khoản cá nhân; gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm; vay, thế chấp,… tại ngân hàng.
Một số lưu ý về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định liên quan đến giao dịch ngân hàng
Thứ nhất, chế độ tài sản của vợ chồng trong hoạt động gửi tiền vào tài khoản cá nhân tại ngân hàng
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kì hôn nhân. Như vậy, các loại tài sản, thu nhập trên được gửi trong tài khoản ngân hàng của vợ hoặc chồng sau khi kết hôn là tài sản chung vợ chồng.
Ngược lại, các loại tài sản, thu nhập trên được gửi trong tài khoản ngân hàng của vợ/chồng trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ, chồng.
Trên thực tế, đa số các cặp vợ chồng sau khi kết hôn đều coi và sử dụng các loại tài sản, thu nhập trên là tài sản chung vợ chồng.
Ví dụ: Trường hợp vợ, chồng không có thỏa thuận khác, tiền lương của vợ hoặc/và chồng là tài sản chung vợ chồng.
Thứ hai, chế độ tài sản của vợ chồng trong giao dịch gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm và nhận lãi suất tiết kiệm
Theo quy định tại Thông tư 48/2018/TT-NHNN và quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014, sổ tiết kiệm nếu hình thành sau khi kết hôn thì thường được coi là tài sản chung vợ chồng nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác và ngược lại. Vợ chồng có thể cùng đứng tên trên sổ tiết kiệm hoặc chỉ vợ/chồng đứng tên.
Lãi suất tiết kiệm được coi là tài sản chung vợ chồng. Dù sổ tiết kiệm được lập trước khi cưới thì hoa lợi, lợi tức từ sổ tiết kiệm sẽ vẫn được coi là tài sản chung vợ chồng.
Ví dụ: Anh A và chị B kết hôn vào tháng 9/2019. Tháng 10/2019, vợ chồng anh A mở 01 (Một) tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng H, hai vợ chồng thống nhất để anh A đứng tên sổ tiết kiệm này. Trước khi kết hôn, anh A có 01 (Một) sổ tiết kiệm riêng tại ngân hàng T.
Theo đó, trong tình huống này, sổ tiết kiệm vợ chồng anh A mở tại ngân hàng H là tài sản chung của vợ chồng anh A.
Trường hợp không có thỏa thuận khác, số tiền trong sổ tiết kiệm tại ngân hàng T là tài sản riêng của anh A, tuy nhiên, lãi suất hàng tháng thu được từ sổ tiết kiệm này là tài sản chung của vợ chồng anh A.
Thứ ba, chế độ tài sản của vợ chồng trong giao dịch vay tiền tại ngân hàng
Theo quy định tại Điều 27 và Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, đối với giao dịch vay tại ngân hàng, vợ chồng có trách nhiệm liên đới đối với khoản tiền đã vay trong các trường hợp sau:
(i) Vợ/chồng vay tiền với mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
(ii) Vợ/chồng đại diện hợp pháp cho nhau thực hiện giao dịch.
Theo đó, các trường hợp vợ/chồng không phải liên đới chịu trách nhiệm đối với khoản vay tại ngân hàng bao gồm:
(i) Mục đích vay tiền không đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
(ii) Việc vay tiền tại ngân hàng không phải do cả hai vợ chồng cùng quyết định, thống nhất và ủy quyền hoặc đại diện cho nhau thực hiện.
Ví dụ:
(1) Anh A và chị B kết hôn vào năm 2019. Tháng 1/2020, anh A và chị B thống nhất cùng nhau vay 200 triệu đồng tại ngân hàng X nhằm mở cửa hàng tiện lợi phục vụ hoạt động kinh doanh của gia đình.
Trong tình huống này, đây là khoản vay được cả hai vợ chồng thống nhất và vì mục đích phát triển khối tài sản chung vợ chồng nên vợ chồng anh A phải có nghĩa vụ cùng nhau trả nợ khoản tiền 200 triệu trên cho ngân hàng X.
(2) Tháng 8/2019, anh H vay 50 triệu đồng tại ngân hàng X để mua xe máy. Tháng 11/2019, anh H và chị C kết hôn, tuy nhiên chị C không hề biết tới sự tồn tại của khoản vay 50 triệu đồng này. Do anh H không thực hiện việc trả nợ nên ngân hàng X đã thông báo yêu cầu chị C trả nợ thay.
Trong tình huống này, chị C không có nghĩa vụ phải trả nợ thay hay liên đới trả nợ khoản tiền 50 triệu đồng này, bởi khoản vay này là khoản vay riêng của anh H, không phục vụ nhu cầu thiết yếu gia đình; không có sự thống nhất, đồng tình từ chị C.
Thứ tư, chế độ tài sản của vợ chồng trong giao dịch thế chấp tài sản tại ngân hàng
Tài sản thế chấp tại ngân hàng có thể là tài sản chung vợ chồng hoặc tài sản riêng vợ, chồng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trường hợp tài sản thế chấp là tài sản chung vợ chồng thì trong hợp đồng thế chấp phải có chữ ký của cả hai vợ chồng (Trừ vợ chồng ủy quyền cho nhau đại diện thực hiện giao dịch). Trong trường hợp chỉ có một bên vợ/chồng ký thì bắt buộc phải có văn bản ủy quyền về việc đồng ý thế chấp của của người còn lại.
Ví dụ: Anh A và chị B kết hôn vào tháng 8/2018. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh A mua một căn nhà và thỏa thuận để anh A đứng tên trên sổ đỏ của căn nhà này. Để mở rộng hoạt động của công ty do anh A làm chủ sở hữu, tháng 5/2020, anh A đã thế chấp căn nhà trên tại ngân hàng X với thời hạn 12 (Mười hai) tháng. Quá thời hạn 12 (Mười hai) tháng, anh A chưa trả hết số tiền cần thanh toán nên ngân hàng X ra yêu cầu phát mãi căn nhà.
Trong tình huống trên, cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Căn nhà vợ chồng anh A mua là tài sản chung vợ chồng nên khi anh A thế chấp tại ngân hàng X phải được sự đồng ý của chị B và có chữ ký của chị B trong hợp đồng thế chấp hoặc có thỏa thuận ủy quyền giữa chị B và chồng về việc thế chấp căn nhà.
– Chị B tuy rằng không đứng tên trên sổ đỏ căn nhà những đã biết và đồng ý với việc anh A thế chấp để lấy vốn kinh doanh, không phải sử dụng vào việc riêng. Do đó, chị B phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng X đối với khoản nợ trên.
Trên đây là bài viết tư vấn về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định liên quan đến giao dịch ngân hàng của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
____________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 0948495885