MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ THẺ THƯỜNG TRÚ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

bởi Apra Law

Người nước ngoài khi muốn đến Việt Nam cư trú, sinh sống, làm việc thì sẽ có hai hình thức là tạm trú và thường trú. Để được tạm trú, thường trú tại Việt Nam thì họ phải làm các thủ tục đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú tại cơ quan có thẩm quyền. Đối với hình thức thường trú, sau khi được xem xét quyết định cho thường trú, người nước ngoài sẽ được cấp thẻ thường trú. Vậy, thẻ thường trú là gì? Đối tượng được xét cho thường trú là những ai và điều kiện xét thường trú là gì? Thủ tục giải quyết thường trú như thế nào? Trong phạm vi bài viết này, Luật Apra sẽ giúp Quý khách hàng giải đáp các thắc mắc nêu trên một cách chính xác nhất. 

Thẻ thường trú là gì?

Khoản 14 Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 giải thích: “Thẻ thường trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài được phép cư trú không thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực”. 

Đối tượng được xét cho thường trú

Một là, người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.

Hai là, người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam.

Ba là, người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.

Bốn là, người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.

Điều kiện xét cho thường trú

Thứ nhất, người nước ngoài có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

Thứ hai, với người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam thì còn phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị.

Thứ ba, với người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh thì còn phải đáp ứng điều kiện thời gian tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên.

Thời gian tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên được xác định trên cơ sở dấu kiểm chứng nhập cảnh, dấu kiểm chứng xuất cảnh được cấp tại cửa khẩu có tổng thời gian tạm trú tại Việt Nam từ 03 năm trở lên trong 04 năm gần nhất tính đến ngày nộp hồ sơ xin thường trú.

Cơ quan giải quyết thường trú

Thứ nhất, đối với người xin thường trú là người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước và người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam, cơ quan giải quyết là Cục Quản lý xuất nhập cảnh

Thứ hai, đối với người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh và người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước, cơ quan giải quyết là Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú

Thủ tục giải quyết thường trú

  1. Hồ sơ xin thường trú

Thứ nhất, hồ sơ xin thường trú đối với người nước ngoài bao gồm:

– Đơn xin thường trú (Mẫu NA12, Thông tư số 04/2015/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 5/1/2015 quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam);

– Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp;

– Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú;

– Bản sao hộ chiếu có chứng thực;

– Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú;

– Giấy bảo lãnh đối với người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh (Mẫu NA11, Thông tư số 04/2015/TT-BCA).

Thứ hai, hồ sơ xin thường trú đối với người không quốc tịch bao gồm:

– Đơn xin thường trú (Mẫu NA12, Thông tư số 04/2015/TT-BCA);

– Giấy tờ chứng minh đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000 và có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam. 

Giấy tờ chứng minh đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000 gồm một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận cư trú tạm thời; sổ đăng ký tạm trú; đơn giải trình về thời gian đã tạm trú tại Việt Nam có xác nhận của công an cấp xã nơi người không quốc tịch tạm trú.

  1. Trình tự, thủ tục

Bước 1: Nộp 01 (Một) bộ hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết thường trú.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền nhận hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo tới người nước ngoài xin thường trú 

– Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cho thường trú. Nếu cần phải thẩm tra bổ sung thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 02 tháng.

– Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người xin thường trú và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú. Nếu được chấp nhận, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú thông báo người nước ngoài được giải quyết cho thường trú.

Bước 3: Nhận thẻ thường trú 

Trong thời hạn 03 tháng kể từ khi nhận được thông báo giải quyết cho thường trú, người nước ngoài phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xin thường trú để nhận thẻ thường trú.

  1. Phí cấp thẻ thường trú

Theo Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư số 25/2021/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 07/4/2021 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, phí cấp mới thẻ thường trú là 100 USD/thẻ. 

Trên đây là bài viết tư vấn về “Một số vấn đề pháp lý về thẻ thường trú cho người nước ngoài” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline : 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

1 bình luận

Rastrear Celular 09/02/2024 - 7:00 sáng

O software de monitoramento remoto do celular pode obter os dados em tempo real do celular de destino sem ser descoberto e pode ajudar a monitorar o conteúdo da conversa.

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885