HỢP ĐỒNG THEO MẪU VÀ NHỮNG BẤT CẬP TRONG THỰC TẾ

bởi Apra Law

Trong guồng quay của sự phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật, các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của một nền sản xuất cung ứng hàng hoá, dịch vụ mang tính hàng loạt và liên tục cho vô số các khách hàng với đặc điểm là hàm chưa các điều khoản được soạn sẵn cho nhiều giao dịch khác nhau đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian đàm phán, qua đó tăng hiệu quả kinh tế của việc giao kết hợp đồng. Chính vì lý do thiết thực này, hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại, đặc biệt là trong kỷ nguyên số với sự phát triển của thương mại điện tử hiện nay. Tuy nhiên, việc áp dụng hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung cũng đặt ra thách thức đối với lý thuyết truyền thống về sự tự do hợp đồng. Khi các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung được sử dụng, các bên không thực sự có cơ hội thương lượng và thoả thuận. Việc thiếu khả năng thương lượng và thoả thuận có thẻ dẫn đến một bên không nhận thức được sự tồn tại hay nội dung của các điều khoản soạn sẵn do một bên đơn phương đưa ra. Đồng thời việc các điều khoản soạn sẵn do một bên “áp đặt” cho bên còn lại có thể làm giảm khả năng của bên kia trong việc đạ tới một thoả thuận công bằng. Điều đó đặt ra yêu cầu pháp luật phải có những quy định để kiểm soát hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung.

Dưới góc độ pháp lý, pháp luật của các quốc gia khác nhau sử dụng nhiều tên gọi để nhận dạng hợp đồng theo mẫu như: Hợp đồng tiêu chuẩn, hợp đồng hàng loạt, hợp đồng gia nhập… Các tên gọi trên phần nào đã thể hiện các đặc điểm cơ bản, quan trọng của loại hợp đồng này. Theo Từ điển thuật ngữ pháp luật Pháp – Việt thì hợp đồng theo mẫu (Contrat-type) là một dạng của hợp đồng trong đó loại trừ mọi sự đàm phánTrong pháp luật Việt Nam, hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung vừa được coi như là một chế định trong pháp luật dân sự thep quy định tại điều 405 và điều 406 BLDS năm 2015 vừa được coi là một chế định đặc thù trong pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật bảo về người tiêu dùng 2010. 

Tại Điều 405 Bộ luật dân sự 2015 nêu rõ, Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra. Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng. Trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 tại khoản 5 Điều 3 cũng có quy định về khái niệm hợp đồng theo mẫu như sau: Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng.

Theo cách tiếp cận như trên, ngoài những đặc điểm chung của hợp đồng thì hợp đồng theo mẫu còn có thể được nhận diện bởi một số dấu hiệu đặc trưng sau: 

Thứ nhất, tất cả các điều khoản trong hợp đồng theo mẫu đều do một bên đưa ra. Thông thường, các bên sẽ cùng nhau thỏa thuận về việc xây dựng, sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng nhưng toàn bộ nội dung của hợp đồng theo mẫu đều do người cung cấp hàng hoá, dịch vụ soạn sẵn. 

Thứ hai, người tiêu dùng hay bên được đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu tham gia vào loại hợp đồng này theo nguyên tắc chọn hoặc bỏ (take it or leave it). Họ không có quyền thỏa thuận hay sửa đổi các nội dung trong hợp đồng theo mẫu mà chỉ có thể chọn đồng ý với tất cả nội dung của hợp đồng và tiến hành giao kết hoặc từ chối giao kết hợp đồng đó. 

Thứ ba, hợp đồng theo mẫu thường có tính chuyên nghiệp và chuẩn hóa cao. Do nhu cầu sử dụng lâu dài và rộng rãi với nhiều khách hàng, đối tác nên khi xây dựng hợp đồng theo mẫu, bên đưa ra hợp đồng cần nghiên cứu cẩn thận, tỉ mỉ nội dung, tìm kiếm sự tư vấn của chuyên gia để có một hợp đồng tốt nhất. Ngoài ra, để có thể đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì nội dung của hợp đồng cũng phải được chuẩn hóa. Hình thức của hợp đồng theo mẫu cũng được bên đưa ra hợp đồng đặc biệt quan tâm, bởi hình thức đẹp, chuyên nghiệp sẽ tạo niềm tin cho khách hàng trong quá trình giao kết. 

Thứ tư, do đã được chuẩn hóa cả về nội dung và hình thức, nên hợp đồng theo mẫu ít bị thay đổi và được sử dụng trong thời gian dài dẫn đến chúng có tính ổn định cao. Mặt khác, hợp đồng theo mẫu chỉ được sử dụng khi bên đưa ra hợp đồng đã công khai hợp đồng thông qua việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các hình thức công khai khác. Để có thể thay đổi nội dung của hợp đồng đã được đăng ký, bên đưa ra hợp đồng phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. 

Thứ năm, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được áp dụng với hợp đồng theo mẫu một cách tương đối. Việc xác lập, sửa đổi, thực hiện hay chấm dứt hợp đồng phải tuân thủ các nguyên  tắc cơ bản là mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng; các bên thiện chí, trung thực trong giao kết, thực hiện hợp đồng; tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoặc không thực hiện hợp đồng; việc xác lập, thực hiện, chấm dứt hợp đồng không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; đặc biệt là nguyên tắc tự do ý chí, tự nguyên cam kết, thoả thuận. Với hợp đồng theo mẫu, bên đưa ra hợp đồng và bên được đề nghị giao kết hợp đồng không bình đẳng do chỉ có bên đưa ra hợp đồng được quyết định nội dung của hợp đồng. Sự tự do ý chí, tự nguyện cam kết, thỏa thuận cũng chỉ thể hiện một cách hạn chế. Theo đó, bên được đề nghị giao kết hợp đồng không được tự do bày tỏ ý kiến liên quan đến việc thay đổi bất cứ điều khoản nào trong hợp đồng trước và sau khi giao kết mà chỉ tự do ý chí trong việc quyết định có tham gia hay không tham gia giao kết hợp đồng này. 

Tại Việt Nam hiện nay, hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch dân sự, kinh doanh – thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,… Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề còn bất cập đối với loại hợp đồng này, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung vẫn tồn tại các điều khoản hạn chế quyền cũng như gây bất lợi cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng. Về lý thuyết thì bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể từ chối giao kết hợp đồng với những điều khoản soạn sẵn như vậy nhưng trên thực tế vì nhiều những lý do khác nhau mà họ vẫn phải chấp nhận tham gia hợp đồng và chịu thiệt thòi nhất định.

Thứ hai, việc tiếp cận với nội dung của hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung của bên không được soan thảo hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung còn hạn chế. Mặc dù, pháp luật đã dành quy định cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu “thời gian hợp lý” để nghiên cứu nội dung hợp đồng và nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cũng phải được công khai để bên được đề nghị giao kết hợp đồng biết hoặc phải biết nhưng trên thực tế, bên được đề nghị giao kết hợp đồng thường không có thời gian hợp lý để nghiên cứu nội dung hợp đồng. Hơn nữa, bên soạn thảo hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung cũng chưa tuân thủ một cách nghiêm chỉnh về hình thức của hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung. Nhiều hợp đồng và điều kiện giao dịch chung được thể hiện bằng cỡ chữ quá nhỏ khiến cho những điều khoản trở nên dày đặc, khó nhìn nhất là với những người cao tuổi, người có thị lực kém. Điều này khiến cho khách hàng “thiếu kiên nhẫn” trong việc tìm hiểu nội dung hợp đồng và thường “ký đại” bởi họ biết rằng có rất nhiều người như họ cũng chấp nhận những điều khoản soạn sẵn này.

Sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của mạng Internet đã khiến cho việc sử dụng hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung ngày càng trở nên phức tạp. Sự bất đối xứng về thông tin khiến cho bên chấp nhận tham gia hợp đồng phải chịu thêm nhiều rủi ro. Một trong những ví dụ điển hình nhất cho việc này đó là các hoạt động mua bán hàng hoá trên mạng. Mặc dù bên bán cung cấp những thông tin về chất lượng, giá cả,.. nhưng bên mua không có khả năng kiểm chứng chất lượng hàng hoá mà mình mua tại thời điểm mua hàng. Không hiếm những trường hợp khi đã tiến hành thanh toán mới phát hiện ra chất lượng hàng hoá không đạt yêu cầu, tuy nhiên mọi thứ đã muộn.

Trên đây là bài viết tư vấn về “Hợp đồng theo mẫu và những bất cập trong thực tế” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

2 bình luận

Suivre Téléphone 09/02/2024 - 3:58 sáng

Afficher le contenu du bureau et l’historique du navigateur de l’ordinateur de quelqu’un d’autre est plus facile que jamais, il suffit d’installer le logiciel keylogger.

Phản hồi
mejor código de referencia de Binance 01/04/2024 - 3:11 chiều

Your point of view caught my eye and was very interesting. Thanks. I have a question for you.

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885