Trong thời đại phát triển như hiện nay, các tài sản trí tuệ chiếm vai trò ngày càng quan trọng và có giá trị vô cùng lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp. Việc kinh doanh các tài sản trí tuệ đang trở nên phổ biến đem lại nhiều lợi ích vật chất và góp phần quảng bá thương hiệu cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Phổ biến nhất hiện nay là hoạt động “li-xăng” nhãn hiệu, được thể hiện dưới hình thức Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu.
Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu là tên gọi thông thường của Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Việc li-xăng nhãn hiệu được hiểu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ theo quy định pháp luật chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cho tổ chức, cá nhân khác. Tổ chức, cá nhân nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chỉ được sử dụng nhãn hiệu trong phạm vi đã thoả thuận.
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu có 03 (Ba) dạng như sau:
– Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng li-xăng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.
– Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng li-xăng nhãn hiệu không độc quyền với người khác.
– Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó theo một hợp đồng khác.
Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu phải có những nội dung cơ bản sau:
– Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
– Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
– Dạng hợp đồng;
– Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
– Thời hạn hợp đồng;
– Giá chuyển giao quyền sử dụng;
– Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
Một số lưu ý đối với Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu
Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:
– Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng li-xăng nhãn hiệu sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hóa đó;
– Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp;
– Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.
Trường hợp trong hợp đồng có các nội dung trên, các điều khoản này mặc nhiên bị vô hiệu.
Trên đây là bài viết tư vấn về “Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
_________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 0948495885