HIỆN NAY NGƯỜI LAO ĐỘNG PHẢI ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI BẰNG BAO NHIÊU % LƯƠNG?

bởi Apra Law

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. 

Bảo hiểm xã hội (BHXH) gồm có BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, BHXH bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

– Người lao động là công dân Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

– Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

– Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

Theo quy định tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp tiền lương tháng quy định trên cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở. Trong đó,

– Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

– Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;

– Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Ngoài ra, mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường. Người lao động làm những công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) thì mức lương đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Còn đối với những người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức lương đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 5% và công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức lương đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, trong điều kiện lao động bình thường.

Ví dụ: Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng I năm 2020 là 4.420.000 đồng/tháng. Vậy thì tại vùng I:

– Mức lương tối thiểu đóng BHXH bắt buộc năm 2020 đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường là 4.420.000 đồng/tháng.

– Mức lương tối thiểu đóng BHXH bắt buộc năm 2020 đối với người lao động làm những công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề là 4.420.000 + (4.420.000 x 7%) = 4.729.400 đồng/tháng.

Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Theo quy định tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH)

Thứ nhất, người lao động bao gồm người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; cán bộ, công chức, viên chức; công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân và người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. 

Ví dụ: Người lao động có mức tiền lương tháng là 10.000.000 đồng. Người đó sẽ phải đóng Bảo hiểm xã hội thông qua công ty với số tiền là 10.000.000 x 8% = 800.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tháng sau khi trừ đi số tiền đóng BHXH của người đó là 9.200.000 đồng. Như vậy, để bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình, người lao động cần phải xác định rõ với người sử dụng lao động của mình về mức lương tháng thoả thuận trong hợp đồng lao động là đã có bao gồm tiền đóng BHXH hay chưa.

Thứ hai, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thứ ba, Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; mức đóng và phương thức đóng được quy định như sau:

– Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

– Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định tại Điều này hoặc truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi về nước.

Thứ tư, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Thứ năm, nếu người lao động là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động hay là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì họ chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

Thứ sáu, người lao động hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

Thứ bảy, việc xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu và trợ cấp tuất hằng tháng thì một năm phải tính đủ 12 tháng; trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa 06 tháng thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thứ tám, việc tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ được tính như sau:

– Từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm;

– Từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Trên đây là bài viết tư vấn “Hiện nay người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bằng bao nhiêu % lương?” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline được tư vấn và hỗ trợ.

____________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

1 bình luận

Rastrear Teléfono Celular 09/02/2024 - 8:06 sáng

Si su esposo eliminó el historial de chat, también puede usar herramientas de recuperación de datos para recuperar los mensajes eliminados. A continuación se muestran algunas herramientas de recuperación de datos de uso común:

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885