Pháp luật Viêt Nam đưa ra không ít quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động trong đó bao gồm cả quy định pháp luật về chế độ thai sản mà người lao động được hưởng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho bạn đọc hướng dẫn cụ thể về điều kiện, thời gian và mức hưởng chế độ thai sản của người lao động.
1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 điều kiện hưởng chế độ thai sản gồm các đối tượng sau:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. (Khoản 2 Điều 31)
Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (Khoản 3 Điều 31).
Người lao động đủ điều kiện quy định về đóng BHXH nêu trêu mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 Luật này (Khoản 4 Điều 31).
2. Thời gian hưởng chế độ thai sản
Thứ nhất, thời gian hưởng chế độ khi khám thai (Điều 32 Luật BHXH 2014):
Lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày;
Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
Thứ hai, thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý (Điều 33 Luật BHXH 2014):
Thai dưới 05 tuần tuổi: 10 ngày;
Thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi: 20 ngày;
Thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi: 40 ngày;
Thai từ 25 tuần tuổi trở lên: 50 ngày.
Ví dụ: Chị C liên tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 năm, mang thai đến tháng thứ 8 thì nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, một tháng sau khi nghỉ việc thì thai bị chết lưu. Như vậy, chị C ngoài việc được hưởng chế độ thai sản cho đến khi thai chết lưu, còn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 50 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Thứ ba, thời gian hưởng chế độ khi sinh con (Điều 34 Luật BHXH 2014):
– Đối với lao động nữ: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày. (Khoản 1 Điều 41 Luật BHXH 2014)
– Đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản:
05 ngày làm việc;
07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc;
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Bên cạnh đó, trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết và thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng.
Thứ tư, thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi (Điều 36 Luật BHXH 2014):
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi
Thứ năm, thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai (Điều 37 Luật BHXH 2014):
07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
Thứ sáu, thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ (Điều 35 Luật BHXH 2014):
Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian hưởng chế độ khi sinh con của lao động nữ nói chung kể trên.
Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Ngoài ra quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản còn được hướng dẫn cụ thể tại
Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
3. Mức hưởng chế độ thai sản
Theo quy định tại Điều 39 Luật BHXH 2014, hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Mức hưởng một ngày đối với trường hợp khám thai và lao động nam khi vợ sinh con được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
4. Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ thai sản
Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 101, Điều 102 của Luật bảo hiểm xã hội và Điều 5 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.
Tuy pháp luật đã có những quy định cụ thể về chế độ thai sản nhưng trên thực tế vẫn còn một số trường hợp khiến người lao động gặp không ít khó khăn, thắc mắc. Ví dụ như: Đối với những trường hợp người lao động không đóng đủ BHXH theo quy định pháp luật thì chế độ thai sản sẽ được hưởng như thế nào? Hay đối với trường hợp chỉ có người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà người mẹ chết thì sau đó, chế độ thai sản đối với người bố hoặc người nhận nuôi đứa trẻ sẽ được tính ra sao?
Trên đây là bài viết tư vấn về “Điều kiện, thời gian hưởng và mức hưởng chế độ thai sản” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline được tư vấn và hỗ trợ.
_________________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 0948495885
2 bình luận
Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.
I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.