ĐIỀU KIỆN THAM GIA VÀ MỨC ĐÓNG BẢO HIỂM TỰ NGUYỆN

bởi Apra Law

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia.

Đối tượng tham gia (Theo Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

Không giống như BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện không có quy định cụ thể về các đối tượng phải tham gia mà chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và có nhu cầu tham gia thì sẽ được tham gia và được hưởng những quyền lợi nhất định theo quy định của pháp luật.

Phương thức đóng (Theo Điều 9 Nghị Định 134/2015/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH)

Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

– Đóng hằng tháng;

– Đóng 3 tháng một lần;

– Đóng 6 tháng một lần;

– Đóng 12 tháng một lần;

– Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần;

– Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức bao gồm đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần và đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần. Người ấy sẽ đóng BHXH tự nguyện cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định.

Người tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Ví dụ: Ông Q tính đến tháng 8/2016 đủ 60 tuổi và có 8 năm đóng BHXH. Ông Q có nguyện vọng tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng và lựa chọn phương thức đóng 2 năm một lần cho giai đoạn từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2018. Tháng 9/2018 ông Q có đủ 10 năm đóng BHXH và đóng một lần cho 10 năm còn thiếu. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2018, ông Q 62 tuổi 01 tháng và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Thời điểm tính hưởng lương hưu của ông Q kể từ tháng 10/2018.

Mức đóng (Theo Điều 10 Nghị Định 134/2015/NĐ-CP và Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH)

1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 12 năm 2020 mức đóng hằng tháng thấp nhất là 154.000 đồng/tháng; từ tháng 5 năm 2016 trở đi mức đóng hằng tháng cao nhất là 5.324.000 đồng/tháng cho tới khi Chính phủ quy định mức lương cơ sở mới.

Ví dụ: Bà P đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 5/2016 với mức thu nhập tháng lựa chọn là 4.000.000 đồng/tháng, phương thức đóng hằng tháng. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng của bà P sẽ là 22% x 4.000.000 đồng/tháng = 880.000 đồng/tháng.

2. Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng theo quy định tại Khoản 1 nêu trên nhân với 3 đối với phương thức đóng 03 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

Ví dụ: Bà P ở ví dụ trên, đến tháng 9/2016 bà P đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn với mức thu nhập tháng lựa chọn là 4.000.000 đồng/tháng nhưng theo phương thức đóng 6 tháng một lần. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 6 tháng của bà P sẽ là 6 tháng x 880.000 đồng/tháng = 5.280.000 đồng.

3. Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

4. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu thì mức đóng được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

5. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Khoản 2 và 3 nêu trên mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

6. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:

a) Dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

b) Hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 7 Nghị định 134/2015/NĐ-CP;

c) Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.

Số tiền hoàn trả cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc hoàn trả cho thân nhân người lao động trong những trường hợp trên được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).

Thay đổi phương thức đóng, mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (Theo Điều 11 Nghị Định 134/2015/NĐ-CP và Điều 10 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH)

Người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (Theo Điều 14 Nghị Định 134/2015/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH)

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, cụ thể:

a) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;

b) Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Trên đây là bài viết tư vấn về “Điều kiện tham gia và mức đóng bảo hiểm tự nguyện” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline được tư vấn và hỗ trợ.

____________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885