Các tổ chức, cá nhân khi muốn khai thác, sử dụng tác phẩm đang còn thời hạn bảo hộ đều phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, để cân bằng giữa một bên là lợi ích của chủ thể nắm giữ quyền tác giả và bên kia là lợi ích công cộng, tạo điều kiện cho việc truyền đạt, phổ biến tác phẩm, pháp luật sở hữu trí tuệ thế giới cũng như của Việt Nam đều có những quy định ngoại lệ đối với hoạt động khai thác, sử dụng quyền tác giả của tổ chức, cá nhân khác đối với tác phẩm. Nói cách khác, đây là những trường hợp “giới hạn quyền tác giả”.
Giới hạn quyền tác giả là gì?
Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật năm 1886 (sau đây gọi tắt là “Công ước Berne”) tại khoản 2 Điều 9 quy định: “Luật pháp các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có quyền cho phép sao in những tác phẩm nói trên trong một vài trường hợp đặc biệt, miễn là sự sao in đó không phương hại đến việc khai thác bình thường tác phẩm hoặc không gây thiệt thòi bất chính cho những quyền lợi hợp pháp của tác giả”. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là “LSHTT”) đã kế thừa tinh thần của Công ước Berne khi quy định về các trường hợp giới hạn quyền tác giả tại Điều 25 và Điều 26.
Luật SHTT không định nghĩa thế nào là “giới hạn quyền tác giả”. Có thể hiểu một cách chung nhất “giới hạn quyền tác giả” là những hạn chế đối với quyền cho phép người khác khai thác, sử dụng tác phẩm của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.
Điều kiện để áp dụng quy định về giới hạn quyền tác giả
Theo quy định của LSHTT, các quy định về giới hạn quyền tác giả không đặt ra đối với tất cả các tác phẩm mà chỉ đặt ra khi tác phẩm và các cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm đó đáp ứng được tất cả các điều kiện sau:
Một là, các trường hợp ngoại lệ chỉ áp dụng cho tác phẩm đã công bố. Theo Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành LSHTT, tác phẩm đã công bố là tác phẩm được phát hành đến công chúng với số lượng bản sao hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm. Công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc.
Hai là, việc sử dụng tác phẩm không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến quyền tác giả.
Ba là, phải thông tin về tác giả và nguồn gốc xuất xứ tác phẩm.
Trường hợp sử dụng tác phẩm mà không phải xin phép và không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Khoản 1 Điều 25 Luật SHTT)
Một là, tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân. Cần phải lưu ý rằng, ngoại lệ này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình máy tính. Ví dụ: Sinh viên mang giáo trình của trường đại học đi photocopy thành một bản để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học của mình thì không cần phải xin phép và trả tiền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Hai là, sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu. Việc sao chép không quá một bản và thư viên không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số. Giống như ngoại lệ đầu tiên, trường hợp này cũng không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình máy tính. Ví dụ: Việc sao chép một bản luận án tiến sĩ đã công bố để lưu trữ trong thư viện của học viện nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu của các nghiên cứu sinh trong học viện thì không cần phải xin phép và trả tiền.
Ba là, trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình. Ví dụ: Trong đề tài nghiên cứu truyện Kiều của Nguyễn Du, tác giả đề tài nghiên cứu đã trích dẫn nguyên văn một số câu văn mang quan điểm phân tích của các tác giả khác để bình luận cũng như đưa ra quan điểm cá nhân và có trích dẫn xuất xứ và thông tin của các tác giả đó đầy đủ. Trường hợp này sẽ được coi là “trích dẫn hợp lý tác phẩm” và không cần phải xin phép, trả tiền cho các tác giả đó.
Bốn là, trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu. Ví dụ: Một nhà báo khi viết một bài báo về nhà văn Stephenie Meyer đã trích dẫn một số câu văn trong các tác phẩm văn học của của Stephenie Meyer như “Chạng vạng”, “Trăng non”, “Nhật thực”, “Hừng đông”,… để dùng trong ấn phẩm của mình thì không cần phải xin phép và trả tiền cho tác giả Stephenie Meyer hay tổ chức xuất bản những tác phẩm đó.
Năm là, trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại. Ví dụ: Các giáo viên dạy Văn của trường trung học trích dẫn một số câu, đoạn văn trong tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ trên slide powerpoint để phục vụ cho hoạt động giảng dạy của mình.
Sáu là, biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào.
Bảy là, ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy. Ví dụ: Một giảng viên đã ghi hình buổi biểu diễn nhạc kịch về để làm tư liệu phục vụ cho hoạt động giảng dạy các sinh viên chuyên ngành nhạc kịch.
Tám là, chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó. Ví dụ: Một nhiếp ảnh gia đã chụp lại những bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhiều danh họa được trưng bày ở trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để giới thiệu các bức tranh đó tại các hội thảo nhiếp ảnh.
Chín là, chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
Mười là, nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng. Ví dụ: Anh A đã ký hợp đồng mua lại bản sao của bức tranh “Paris về đêm” của một họa sĩ người Pháp và sau đó A đã mang bản sao bức tranh đó về Việt Nam để treo trang trí trong nhà.
Trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Khoản 1 Điều 26 Luật SHTT)
Một là, tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố (trừ tác phẩm điện ảnh) để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng.
Hai là, tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố (trừ tác phẩm điện ảnh) để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng.
Trên đây là bài viết tư vấn về “Trường hợp nào cá nhân, tổ chức được sử dụng tác phẩm mà không cần phải xin phép và trả tiền cho tác giả?” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 0948495885