GIỚI HẠN QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP THEO PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VIỆT NAM

bởi Apra Law

Xu thế phát triển và ứng dụng khoa học – kĩ thuật vào sản xuất đã khẳng định tài sản trí tuệ và quyền sở hữu tài sản trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng, bảo hộ sở hữu trí tuệ được xem là một nguyên tắc cơ bản trong sự vận động của nền kinh tế thế giới. Để hòa giữa độc quyền của chủ sở hữu công nghiệp và lợi ích chung của cộng đồng, các trường hợp hạn chế quyền sở hữu công nghiệp đã được pháp luật quy định cụ thể. Bài viết dưới đây sẽ phân tích các trường hợp giới hạn quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành.

1. Khái niệm giới hạn quyền sở hữu công nghiệp

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Sau đây gọi tắt là “Luật SHTT”) không đưa ra định nghĩa về “giới hạn quyền sở hữu công nghiệp”. Có thể hiểu giới hạn quyền sở hữu công nghiệp (Sau đây gọi tắt là “QSHCN”) là những hạn chế đối các quyền của tổ chức, cá nhân đối với các đối tượng của QSHCN do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền SHCN không phải là quyền tuyệt đối mà bị giới hạn trong một số trường hợp.

2. Các trường hợp giới hạn quyền sở hữu công nghiệp 

2.1. Giới hạn quyền sở hữu công nghiệp về thời hạn

Các đối tượng sở hữu công nghiệp thường được bảo hộ trong khoảng thời gian xác định, cụ thể được quy định tại Điều 93 Luật SHTT về hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Thời hạn bảo hộ có thể chia thành ba loại:

Thứ nhất, thời hạn bảo hộ được xác định và không được gia hạn được quy định tại Khoản 2, 3 và 5 Điều 93 Luật SHTT:

– Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

– Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

– Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau: (i) Kết thúc 10 năm kể từ ngày nộp đơn; (ii) Kết thúc 15 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới; (iii) Kết thúc 15 năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

Thứ hai, thời hạn bảo hộ được xác định và có thể được gia hạn (Khoản 4 và 6 Điều 93 Luật SHTT). Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

Thứ ba, thời hạn bảo hộ không xác định thời hạn: Loại thời hạn này được áp dụng đối với tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh cho đến khi nào các đối tượng sở hữu công nghiệp này không còn đáp ứng được điều kiện bảo hộ (Khoản 7 Điều 93 Luật SHTT).  

2.2. Giới hạn QSHCN đối với sáng chế bởi lợi ích cộng đồng (Điều 133 Luật SHTT)

Điều 7 Luật SHTT quy định: “Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền SHTT thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền SHTT phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp”. Do đó, trong những trường hợp vì mục đích công cộng, phi thương mại, quốc phòng an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội thì chủ sở hữu phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan Nhà nước. Bộ, cơ quan ngang bộ có quyền nhân danh Nhà nước sử dụng hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình nhằm mục đích trên mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền theo quy định tại Điều 145 và 146 của Luật SHTT. Quyền này được xác định trên cơ sở yếu tố chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải phù hợp với các điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 146 của Luật SHTT, trừ trường hợp sáng chế được tạo ra bằng việc sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước. Ví dụ: Sáng chế Hệ thống lọc nước 10.000 đồng của Trương Quốc Vi và Nguyễn Anh Hùng (Sinh viên khoa Quản lý Môi trường – Đại học Công Nghiệp TP HCM) với thiết kế đơn giản, chi phí thấp và đem lại hiệu quả làm sạch nước, đã được chuyển giao cho cơ quan Nhà nước để áp dụng vào dự án xây dựng thực tế mùa hè năm 2014.

2.3. Giới hạn quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp bởi người có quyền sử dụng trước (Điều 134 Luật SHTT)

Theo quy định tại Điều 134 của Luật SHTT, chủ sở hữu đối tượng SHCN có nghĩa vụ tôn trọng người có quyền sử dụng đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Theo đó trong trường hợp trước ngày đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được công bố mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Tuy nhiên, để đảm bảo cho quyền của chủ sở hữu không bị ảnh hưởng, Luật SHTT quy định người có quyền sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp cho phép.

Ví dụ: X được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp “Bộ nồi bầu quai tròn” năm 2008. X yêu cầu cơ quan chức năng xử lý Y do có hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp khi sản xuất bộ nồi có kiểu dáng công nghiệp giống X. Y đã cung cấp chứng cứ chứng minh cơ sở này đã thuê ông T sản xuất vào năm 2005. Như vậy, theo Điều 134 Luật SHTT thì X không có quyền yêu cầu xử lý Y.

2.4. Giới hạn về các nghĩa vụ phải thực hiện của chủ sở hữu công nghiệp 

Thứ nhất, nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (Điều 135 Luật SHTT). Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được quy định như sau: 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác theo Khoản 1 Điều 135 Luật SHTT. 

Thứ hai, nghĩa vụ sử dụng sáng chế, nhãn hiệu (Điều 136 Luật SHTT). Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ  để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Khi có các nhu cầu quy định tại khoản này mà chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế. Ví dụ: Công ty X được bảo hộ đối với sáng chế thuốc Y có tác dụng phòng bệnh sốt xuất huyết – đang lan rộng trong thời gian gần đây. Như vậy, công ty X phải có nghĩa vụ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của xã hội lúc đó. Nếu công ty X không làm được thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế thuốc Y cho người khác mà không cần được phép của X.

Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng thì sẽ chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyền sở hữu nhãn hiệu đó chấm dứt hiệu lực, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực. 

Thứ ba, nghĩa vụ cho phép sử dụng sáng chế cơ bản nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc (Điều 137 Luật SHTT)

Theo quy định tại Điều 137 Luật SHTT thì không phải chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc nào cũng có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản, mà chỉ “trong trường hợp chứng minh được sáng chế phụ thuộc tạo ra một bước tiến quan trọng về kỹ thuật so với sáng chế cơ bản và có ý nghĩa kinh tế lớn, chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản với giá cả và điều kiện thương mại hợp lý.” Cũng theo Điều 137 Luật SHTT, trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế cơ bản không đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không có lý do chính đáng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế cơ bản. Ngoài ra, sử dụng sáng chế cơ bản phải nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc. Nếu mục đích không phải là sử dụng sáng chế phụ thuộc thì chủ sở hữu sáng chế cơ bản không có nghĩa vụ phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản.

Trên đây là bài viết về “Giới hạn quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline : 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885