Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là cạnh tranh trong việc đổi mới công nghệ hiện đại thông qua các tài sản trí tuệ, trong đó có sáng chế. Do đó, việc cải tiến, đổi mới cũng như khai thác thương mại đối với sáng chế cần phải được hoạt động hiệu quả hơn.
Khai thác thương mại đối với sáng chế
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuê năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), sáng chế là giải pháp kĩ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế là sản phẩm hay quy trình do con người tạo ra chứ không phải là những gì đã tồn tại trong tự nhiên được con người phát hiện ra.
Luật Thương mại 2005 quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động sinh lợi, bao gồm mua bán, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Để khai thác thương mại đối với sáng chế, trước tiên, sáng chế phải được bảo hộ. Nếu sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế, sáng chế cần đáp ứng các điều kiện: có tính mới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp. Căn cứ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là hoạt động khai thác, hoàn thiện, ứng dụng, chuyển giao, hoạt động khác có liên quan đến kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm mục đích thu lợi nhuận.
Như vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có quy định cụ thể khái niệm khai thác thương mại đối với sáng chế. Tuy nhiên, căn cứ các quy định của pháp luật liên quan đã nêu ở trên, có thể hiểu khai thác thương mại đối với sáng chế là hoạt động khai thác các khía cạnh thương mại của sáng chế sau khi được bảo hộ thông qua các hình thức như chủ sở hữu tự mình khai thác sáng chế, chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế, chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, chủ sở hữu thế chấp, góp vốn để kinh doanh, thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế nhằm mục đích thu lợi nhuận.
Khai thác thương mại đối với sáng chế của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình chủ động gắn kết nền kinh tế và thị trường của từng nước với kinh tế khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực tự do hóa và mở cửa trên các cấp độ đơn phương, song phương và đa phương. Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng nỗ lực đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc cải tiến chất lượng sản phẩm, đầu tư những công nghệ kĩ thuật hiện đại qua việc nghiên cứu và sáng tạo để có nhiều sáng chế nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường Việt Nam cũng như quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ, năm 2019, Việt Nam có 1.128 đơn sáng chế được đăng kí, tăng 42% so với cùng kì năm 2018 (1). Một số doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy được vài trò của việc bảo hộ và khai thác thương mại đối với sáng chế. Nhiều sáng chế được khai thác hiệu quả và đạt được một số kết quả. Chẳng hạn, giải pháp công nghệ “thiết bị xử lí khí thải XLKT-HB0005GPCN” của Hoàng Hữu Bình, “thiết bị thu hồi và tái chế chất thải nguy hại trong công nghiệp” của Trần Bá Phước Anh, và “máy xử lí rác đa năng và công nghệ xử lí rác thải HKM” của tác giả sáng chế Ngô Thái Nguyên. Đây là các sáng chế điển hình liên quan đến công nghệ xử lí khí thải, chất thải công nghiệp độc hại và rác thải đã được áp dụng trên thực tiễn (2).
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà hoạt động khai thác thương mại đối với sáng chế của các doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Báo cáo hoạt động sở hữu trí tuệ thường niên của Cục Sở hữu trí tuệ từ năm 2015 đến năm 2019, số lượng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sáng chế còn rất khiêm tốn, tốc độ tăng chậm qua các năm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò quan trọng của việc đăng kí xác lập cũng như khai thác thương mại quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền đối với sáng chế nói riêng. Doanh nghiệp chưa khai thác sáng chế hiệu quả hoặc không khai thác sáng chế. Trên mặt bằng chung, dù chưa có một thống kê chính thức nào nhưng theo nhận định của một số nhà khoa học, riêng lĩnh vực sáng chế kĩ thuật, số lượng sáng chế có thể đưa vào ứng dụng thực tiễn chỉ từ 10%-20% tổng số sáng chế, tỉ lệ này càng thấp ứng với đề tài cấp càng cao, đó là chưa kể các nghiên cứu khoa học xã hội, thường rất chung chung và rất khó áp dụng thực tế (3).
Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động khai thác thương mại với sáng chế của doanh nghiệp Việt
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên một phần đến từ một số quy định của pháp luật về khai thác thương mại đối với sáng chế. Hoạt động khoa học và công nghệ trong sản xuất có vai trò quan trọng trong quá trình khai thác thương mại đối với sáng chế, tuy nhiên, hoạt động này chưa được đề cập cụ thể trong luật. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý về sáng chế trong các văn bản pháp luật Việt Nam chủ yếu đề cập đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế (4).
Pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ đã có quy định khuyến khích phát triển mạnh thị trường công nghệ, thúc đẩy hoạt động ươm tạo công nghệ, tạo điều kiện cho các chủ sở hữu sáng chế thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế; tuy nhiên, việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng đòi hỏi các bên phải có sự thỏa thuận, chặt chẽ rõ ràng. Trong khi đó, sáng chế thuộc loại tài sản khó định giá chính xác. Vì vậy, quyền lợi của các bên không được đảm bảo và khó khăn trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Trong khi đó, hệ thống pháp luật Việt Nam về định giá tài sản trí tuệ (TSTT) vẫn còn khá sơ sài. Các văn bản pháp luật hầu như không điều chỉnh trực tiếp vấn đề định giá TSTT mà chỉ đề cập tới các quy định mang tính chất nguyên tắc về cách thức tính toán dựa trên sổ sách của tài sản vô hình, trong đó bao gồm các TSTT (5).
Quá trình hoàn thiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là một cơ hội để các quy định của pháp luật Việt Nam về khai thác thương mại đối với sáng chế có thể khắc phục được những hạn chế nêu trên, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực phát triển, hội nhập với nền kinh tế quốc tế./.
Bài viết có tham khảo các nguồn:
(1) Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2019;
(2) https://niptex.gov.vn/vi/nam-2015/thang-2-2015/516-tong-hop-cac-giai-phap-cong-nghe-sang-che-giup-bao-ve-va-cai-thien-moi-truong
(3) http://nld.com.vn/khoa-hoc/sang-che-chuyen-nghiep-xai-it–trum-men-nhieu-134073.htm
(4) Lê Đức Hiền, Pháp luật về khai thác thương mại đối với sáng chế của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn, Trường Đại học Trà Vinh, 2020;
(5) Lê Đức Hiền, Thương mại hóa quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế trong các trường đại học ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.
_________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 0948495885