Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay. Các doanh nghiệp phải tìm cách sáng tạo, cải tiến, làm mới các sản phẩm của mình trở nên khác biệt để thu hút khách hàng. Việc sử dụng tri thức để tạo sự đổi mới chính là một trong những nhân tố chính tạo nên sự cạnh tranh của các doanh nghiệp. Pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ chủ sở hữu khỏi những rủi ro liên quan đến các sản phẩm, tránh được việc bị “lấy cắp ý tưởng”, “chơi xấu” từ đối thủ cạnh tranh. Vậy, quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là gì? Bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ quan trọng như thế nào khi tiến hành kinh doanh?
Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Khái niệm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.
Bảo hộ sở hữu trí tuệ khi tiến hành kinh doanh bao gồm những gì?
Nhìn chung, sở hữu trí tuệ được chia thành hai nhóm chính: nhóm quyền sở hữu công nghiệp; và nhóm quyền tác giả, quyền liên quan.
Doanh nghiệp tiến hành hoạt động, tùy thuộc vào tài sản vô hình của doanh ngiệp, doanh nghiệp có thể thực hiện một số biện pháp sau:
(i) Các sản phẩm và quy trình sáng tạo có thể được bảo hộ theo sáng chế và giải pháp hữu ích;
(ii) Các kiểu dáng sáng tạo, gồm kể kiểu dáng dệt may, được bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp;
(iii) Thương hiệu được bảo hộ theo nhãn hiệu;
(iv) Mạch bán dẫn được bảo hộ theo thiết kế bố trí hoặc mạch tích hợp bán dẫn;
(v) Chỉ dẫn hàng hóa có chất lượng hoặc danh tiếng nhất định, gắn với xuất xứ địa lý được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý;
(vi) Thông tin bí mật có giá trị thương mại được bảo hộ theo bí mật kinh doanh;
(vii) Tác phầm văn hóa, nghệ thuật và văn học, kể cả phần mềm máy tính và sưu tập dữ liệu được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.
Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ khi tiến hành kinh doanh
Việc bảo hộ hộ các quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh doanh. Cụ thể:
Thứ nhất, việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ giúp chủ thể kinh doanh có căn cứ pháp lý khẳng định tài sản đăng ký bảo hộ thuộc sở hữu của mình.
Ví dụ: Tập đoàn VINGROUP – Công ty CP thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu VINGROUP và được cấp văn bằng bảo hộ ngày 17/8/2011. Theo đó, kể từ ngày 17/8/2011, Tập đoàn VINGROUP – Công ty CP được công nhận là chủ sở hữu của nhãn hiệu VINGROUP và bất kì cá nhân, tổ chức nào khác đề không được sử dụng nhãn hiệu VINGROUP trên các sản phẩm, dịch vụ của mình trong hoạt động kinh doanh. Đây được coi là sự khẳng định thương hiệu của Tập đoàn VINGROUP – Công ty CP.
Thứ hai, hạn chế tối đa việc tranh chấp với các chủ thể khác gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh; ngăn chặn hành vi xâm phạm.
Bằng cách đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu có lợi thế xuất phát trước các đối thủ cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong suốt thời hạn bảo hộ. Lợi thế độc quyền một mặt ngăn không cho các đối thủ cạnh tranh sử dụng, khai thác đối tượng đăng ký, mặt khác cho phép chủ sở hữu thu lợi thông qua ưu thế độc quyền của mình.
Ví dụ: Vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế: nguyên đơn là Les Laboratories Servier (Cộng hòa Pháp) và bị đơn là Công ty Cổ phần dược phẩm Đạt Vi Phú (Bến Cát, Bình Dương). Theo đó, Les Laboratories Servier khởi kiện Đạt Vi Phú do cho rằng sản phẩm thuốc của Đạt Vi Phú làm giả, nhái sản phẩm thuốc Nisten của mình. Căn cứ vào việc, Les Laboratories đã đăng ký bảo hộ độc quyền với sản phẩm thuốc Nisten và đã được cấp bằng độc quyền sáng chế. Vì vậy, Đạt Vi Phú phải thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm thuốc Nisten (Ivabradine 5mg) đã phân phối trên thị trường, tiến hành rút các thủ tục đăng ký đối với dược phẩm thuốc Nisten theo phán quyết của Toá án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, khi các đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ thì niềm tin của người tiêu dùng cũng sẽ được tăng lên. Bởi lẽ, các sản phẩm, dịch vụ này đã được thẩm định và công nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên người tiêu dùng có thể yên tâm và tránh được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang trôi nổi trên thị trường.
Trên đây là bài viết tư vấn về “Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ khi tiến hành kinh doanh” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
____________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 0948495885