CÓ BẮT BUỘC PHẢI TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ KHI SÁP NHẬP CÔNG TY CON VÀO CÔNG TY MẸ KHÔNG?

bởi Apra Law

Trong những năm gần đây, dù các thương vụ mua bán và sáp nhập đã gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị nhưng các doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán chưa có lời giải về việc xử lý vốn điều lệ khi tiến hành sáp nhập doanh nghiệp.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Apra sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc những thông tin, kiến thức liên quan đến một số vấn đề còn đang gây nhiều tranh cãi và chưa thống nhất, đó là: Đối với phương án tái cấu trúc khi sáp nhập công ty con vào công ty mẹ thì công ty mẹ có bắt buộc phải tăng vốn điều lệ không? Và, phần vốn góp, cổ phần của công ty mẹ trong công ty con sẽ được xử lý như thế nào?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sáp nhập là phương thức nhằm chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp từ công ty bị sáp nhập sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. Theo đó, sau khi sáp nhập thành công, công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.

Để tiến hành thủ tục sáp nhập, theo điểm a Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020, các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Cũng theo Điều khoản này, một trong những nội dung chủ yếu bắt buộc phải có trong hợp đồng sáp nhập là cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập. Như vậy, phương thức xử lý, chuyển đổi vốn điều lệ khi sáp nhập sẽ do các bên tự thỏa thuận và thống nhất trong hợp đồng sáp nhập.

Mặc dù không được pháp luật quy định một cách trực tiếp nhưng trên thực tế, có một nguyên tắc được đưa ra và thừa nhận phổ biến là: khi sáp nhập doanh nghiệp, phần vốn góp, cổ phần của công ty bị sáp nhập sẽ được chuyển đổi thành phần vốn góp, cổ phần của công ty nhận sáp nhập. Điều này cũng có nghĩa là khi sáp nhập doanh nghiệp, người đang sở hữu phần vốn góp, cổ phần của công ty bị sáp nhập sẽ trở thành người sở hữu phần vốn góp, cổ phần của công ty nhận sáp nhập. Nếu áp dụng nguyên tắc này vào trường hợp sáp nhập công ty con vào công ty mẹ, khi phần vốn góp, cổ phần công ty con trở thành phần vốn góp, cổ phần của công ty mẹ, công ty này trở thành người sở hữu vốn góp, cổ phần của chính mình đã được quy đổi tương đương từ công ty con. Tuy nhiên, một công ty trách nhiệm hữu hạn không thể sở hữu phần vốn góp của chính công ty đó. Trong trường hợp còn lại, công ty mẹ là công ty cổ phần, việc công ty này sở hữu cổ phần của chính mình không phải là không thể xảy ra. Theo khoản 4 Điều 112 Luật Doanh nghiệp, cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán cho công ty được coi là cổ phần chưa bán. Công ty là người nắm giữ các cổ phần chưa bán này. Tuy vậy, cả pháp luật doanh nghiệp và chứng khoán đều không có quy định về việc cổ phần mà công ty mẹ được coi là nhận được khi nhận sáp nhập công ty con sẽ trở thành cổ phần chưa bán của công ty mẹ.

Ở một góc nhìn khác, khi công ty mẹ góp vốn và sở hữu công ty con, phần vốn này được ghi nhận trong vốn điều lệ của công ty con, và cũng là một phần tài sản của công ty mẹ được đưa vào công ty con để đầu tư góp vốn. Theo đó, có thể hiểu rằng phần vốn được sử dụng để đầu tư vào công ty con đã được ghi nhận trong cơ cấu nguồn vốn của công ty mẹ, phần vốn điều lệ trong công ty mẹ trước khi sáp nhập đã phải bao hàm trách nhiệm đối với phần vốn góp, cổ phần sở hữu trong công ty con. Giả sử cổ phần của công ty con trở thành cổ phần của công ty mẹ, khi đó, nguồn vốn của công ty mẹ sẽ tăng lên tương ứng với giá trị nhận lại từ việc đầu tư vào công ty con. Tuy nhiên, như đã phân tích, phần vốn được sử dụng để đầu tư vào công ty con đã nằm trong cơ cấu nguồn vốn của công ty mẹ. Nếu ghi nhận tăng vốn một lần nữa khi nhận sáp nhập, cùng một khoản vốn sẽ được ghi nhận 02 lần, trong khi đó, tài sản không có sự tăng lên. Điều này hoàn toàn không đúng với bản chất sự việc.

Như vậy, khi sáp nhập công ty con vào công ty mẹ, phần vốn góp trong công ty con sẽ chuyển giao và ghi nhận tại công ty mẹ dưới dạng tài sản đơn thuần mà không ghi nhận phần vốn điều lệ tăng lên tại công ty mẹ. Phương án này được xem là hợp lý hơn, tuy nhiên phương án này chỉ có thể áp dụng với trường hợp công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty con. Trong trường hợp công ty mẹ không phải chủ sở hữu duy nhất của công ty con thì vốn góp, cổ phần của công ty con cần được hoán đổi thành vốn góp, cổ phần của công ty mẹ để đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu còn lại trong công ty con. Tuy nhiên, nếu hoán đổi thì không thể chỉ hoán đổi một phần mà phải hoán đổi toàn bộ vốn góp, cổ phần của công ty con, bao gồm cả phần do công ty mẹ sở hữu, thành vồn góp, cổ phần của công ty mẹ để đảm bảo rằng các thành viên góp vốn hoặc cổ đông trong công ty con được đối xử như nhau. Điều này lại dẫn đến các vấn đề như đã trình bày phía trên. Qua đó có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn còn thiếu những quy định, hướng dẫn chi tiết về vốn điều lệ khi sáp nhập doanh nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp đang phải thực hiện theo các phương án sáp nhập vốn điều lệ mà họ cho rằng phù hợp nhất, dẫn đến nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục này.

Trên đây là bài viết tư vấn về vấn đề “Có bắt buộc phải tăng vốn điều lệ khi sáp nhập công ty con vào công ty mẹ không?” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
______________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành
phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 094849588

Có thể bạn quan tâm

2 bình luận

Szpiegowskie Telefonu 09/02/2024 - 6:40 sáng

Teraz, gdy wiele osób korzysta ze smartfonów, możemy rozważyć pozycjonowanie telefonów komórkowych za pośrednictwem sieci bezprzewodowych lub stacji bazowych.

Phản hồi
crystallon.top 16/04/2024 - 7:28 sáng

Wow, wonderful blog layout! How lengthy have you been running a blog for?
you made running a blog look easy. The whole glance
of your site is excellent, let alone the content material! You can see similar here
najlepszy sklep

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885