CHIA DOANH NGHIỆP – TÁCH DOANH NGHIỆP

bởi Apra Law

Chia doanh nghiệp, hay tách doanh nghiệp, đều là một hình thức của hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp, là một hoạt động cấu trúc lại doanh nghiệp diễn ra trong một doanh nghiệp hoặc một số doanh nghiệp. Hoạt động này có thể làm thay đổi tư cách pháp lý, quy mô kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng mang đến một số hệ quả pháp lý đặc biệt cho doanh nghiệp đó.

Hai hình thức tổ chức lại doanh nghiệp này nghe có vẻ không có gì quá khác biệt, lại còn đều được áp dụng với hình thức công ty đối vốn. Do đó nhiều người đôi lúc sẽ có những nhầm lẫn nhất định về hai loại hình này. Bài viết này sẽ giúp mọi người có một cái nhìn tổng quan và rõ ràng hơn về sự khác biệt giữa hai hình thức tổ chức lại doanh nghiệp này.

Chia doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, một doanh nghiệp được chia thành hai hay nhiều doanh nghiệp mới và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị chia.

Tách doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, một doanh nghiệp được tách thành hai hay nhiều doanh nghiệp mà không chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị tách.

Hai hình thức này có những đặc điểm cơ bản để phân biệt như sau:

Thứ nhất, về căn cứ pháp luật. Chia doanh nghiệp được quy định trong Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2014 trong khi tách doanh nghiệp được quy định tại Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2014.

Thứ hai, là về đối tượng và mục đích chia, tách. Chia doanh nghiệp sẽ chia các cổ đông, thành viên công ty và tài sản công ty để thành lập hai, hoặc nhiều công ty mới. Còn tách doanh nghiệp thì sẽ chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có cho mục đích thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới.

Thứ ba, là về phương thức thực hiện khi chia, tách doanh nghiệp. Mỗi hình thức này đều có hai phương thức thực hiện và một phương thức tổng hợp là kết hợp của hai phương thức riêng đó. 

Với chia doanh nghiệp, một là một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản; hai là toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới.

Với tách doanh nghiệp, một là một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới; hai là toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới.

Thứ tư, về thủ tục thực hiện. Khi chia doanh nghiệp, doanh nghiệp đó sẽ phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ và số lượng thành viên tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên giảm xuống đồng thời đăng ký doanh nghiệp cho công ty mới.

Còn khi tách doanh nghiệp, thì doanh nghiệp đó sẽ phải ghi lại đầy đủ sự thay đổi về nhân sự cũng như vốn góp, cổ phần khi bị chia sang công ty mới.

Cuối cùng, về tư cách pháp lý của doanh nghiệp sau khi bị chia, tách. Doanh nghiệp khi bị chia thì sẽ chấm dứt sự tồn tại khi mà các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên thì khi tách doanh nghiệp, doanh nghiệp bị tách vẫn tiếp tục hoạt động và vẫn còn tư cách pháp lý bình thường.

 

Trên đây là bài viết tư vấn về “Việc chia doanh nghiệp, tách doanh nghiệp” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885