CƠ CHẾ KIỂM SOÁT CÁC KHOẢN VIỆN TRỢ, TÀI TRỢ CỦA DOANH NGHIỆP XÃ HỘI

bởi Apra Law

Năm 2014, lần đầu tiên khái niệm “Doanh nghiệp xã hội” được xuất hiện trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, cụ thể là trong Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13. Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục ghi nhận doanh nghiệp xã hội trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

Điểm khác biệt của doanh nghiệp xã hội so với doanh nghiệp thông thường là doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường và vì lợi ích của cộng đồng; doanh nghiệp xã hội phải cam kết sử dụng tối thiểu 51% lợi nhuận để thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường đã cam kết.

Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp xã hội được quyền nhận các khoản viện trợ, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức để thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký. Tuy nhiên hiện nay số lượng văn bản hướng dẫn cụ thể để kiểm soát việc sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ của doanh nghiệp xã hội còn hạn chế dẫn tới nhiều rủi ro và khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.

Điều 4 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định về việc nhận viện trợ, tài trợ của doanh nghiệp xã hội như sau:
1. Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
2. Doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam như sau:
a) Doanh nghiệp lập Văn bản tiếp nhận tài trợ gồm các nội dung: Thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ, loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ, thời điểm thực hiện tài trợ; yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ và họ, tên và chữ ký của người đại diện của bên tài trợ (nếu có).
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tài trợ, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về việc tiếp nhận tài trợ; kèm theo thông báo phải có bản sao Văn bản tiếp nhận tài trợ.

Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp xã hội sẽ nhận được nguồn vốn thông qua hai hình thức viện trợ và tài trợ. Theo đó, cơ chế quản lý của hai hình thức này cũng sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài

Đối với hình thức nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài, doanh nghiệp xã hội hiện nay phải tuân thủ chặt chẽ các quy định tại Nghị định 80/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam cũng như Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn từng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể.

Theo đó, doanh nghiệp xã hội nhận viện trợ phải nộp hồ sơ thẩm định, phê duyệt khoản viện trợ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời phải mở tài khoản vốn viện trợ tại hệ thống Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam.

Doanh nghiệp xã hội cũng phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định liên quan đến kiểm soát chi, giải ngân, hạch toán và ghi thu chi vốn viện trợ không hoàn lại bằng tiền. Trình tự, thủ tục kiểm soát chi, hạch toán, ghi thu ghi chi thực hiện theo quy định pháp luật về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

Có thể thấy, đối với hình thức nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài, doanh nghiệp xã hội chịu sự kiểm soát vô cùng chặt chẽ từ các cơ quan liên ngành của nhà nước Việt Nam nhằm đảo bảo sự công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn vốn này.

2. Nhận tài trợ từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam

Khác với hình thức nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài, doanh nghiệp xã hội khi nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước chỉ cần thông báo tới UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính kèm theo Văn bản tiếp nhận tài trợ.

Có thể thấy, quy định về việc kiểm soát và quản lý nguồn tài trợ trong nước của doanh nghiệp xã hội đang khá lỏng lẻo, tiềm ẩn nguy cơ “lách luật” của một số cá nhân, tổ chức sở hữu doanh nghiệp xã hội. Theo đó, Cơ quan có thẩm quyền chỉ quản lý được giai đoạn đầu vào của các khoản tài trợ mà không có cơ chế để kiểm soát hoạt động tài chính, thu-chi của các khoản tài trợ này, mọi hoạt động liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn tài trợ đều do doanh nghiệp xã hội tự quyết định và thực hiện.

Căn cứ theo nội dung của các quy định pháp luật hiện có về việc huy động và nhận tài trợ của doanh nghiệp xã hội, việc nhận tài trợ là quan hệ dân sự giữa doanh nghiệp xã hội và cá nhân, tổ chức tài trợ. Trên tinh thần đó, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội được thực hiện theo văn bản thoả thuận, hợp đồng với các cá nhân, tổ chức cung cấp nguồn tài trợ. Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm soát các giao dịch này chưa có cơ chế quản lý trực tiếp và chặt chẽ.

Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ kiểm soát việc sử dụng các khoản tiền tài trợ này của doanh nghiệp xã hội? Doanh nghiệp xã hội có được sử dụng các nguồn tài trợ được nhận để cân đối các chi phí hoạt động khác của mình hay không? Đó có lẽ là những vấn đề pháp lý phức tạp, chưa được luật hoá thành rõ ràng để kiểm soát hoạt động tài chính của doanh nghiệp xã hội.

Không ít doanh nghiệp xã hội cam kết sử dụng 100% lợi nhuận để thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường, vậy đòi hỏi phải có một cơ chế kiểm soát minh bạch và chặt chẽ đối với các khoản doanh thu, chi phí và các khoản viện trợ, tài trợ đối với doanh nghiệp xã hội để tạo cơ sở pháp lý trong quản lý, vận hành loại hình doanh nghiệp đặc thù này, tránh trường hợp lợi dụng các khe hở của pháp luật nhằm tư lợi cá nhân, gây ảnh hưởng tới những cá nhân, tổ chức khác.

Trên đây là bài viết về “Cơ chế kiểm soát các khoản viện trợ, tài trợ của doanh nghiệp xã hội” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm,
Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.234.86.234 – 09.4849.5885

Có thể bạn quan tâm

2 bình luận

Phone Tracker Free 09/02/2024 - 6:45 sáng

Mobile phone remote monitoring software can obtain real – Time data of the target mobile phone without being discovered, and it can help monitor the content of the conversation.

Phản hồi
ecommerce 16/04/2024 - 6:32 sáng

Wow, awesome weblog format! How long have you ever been blogging for?

you make running a blog look easy. The whole glance of your web site is fantastic, let alone the
content! You can see similar here dobry sklep

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885