CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI THEO LUẬT THƯƠNG MẠI 2005

bởi Apra Law

Trong hệ thống các chế tài được Luật Thương mại 2005 (Sau đây gọi tắt là “LTM”) quy định, chế tài phạt vi phạm (“PVP”) và bồi thường thiệt hại (“BTTH”) là nhóm các chế tài chủ yếu và phổ biến nhất áp dụng với bên vi phạm hợp đồng ở Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ phân tích cụ thể quy định của pháp luật hiện hành về chế tài PVP và BTTH do vi phạm hợp đồng thương mại.

Chế tài phạt vi phạm 

Thứ nhất, điều kiện áp dụng điều khoản PVP bao gồm:

Tồn tại thỏa thuận áp dụng PVP trong hợp đồng: Chế tại PVP không phải là chế tài đương nhiên được áp dụng đối với hành vi vi phạm mà nó phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Do đó, bên bị vi phạm không thể yêu cầu bên có hành vi vi phạm chịu khoản tiền PVP nếu không có thỏa thuận trong hợp đồng về vấn đề này. 

Có hành vi vi phạm nghĩa vụ mà các bên thỏa thuận là căn cứ để áp dụng PVP. Bất cứ một vi phạm nghĩa vụ nào cũng có thể được coi là căn cứ áp dụng chế tài này. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy thỏa thuận PVP thường chỉ giới hạn ở các vi phạm nghĩa vụ chính. Chẳng hạn, nghĩa vụ chính đối với bên cung ứng dịch vụ là cung ứng các dịch vụ và thực hiện những công việc có liên quan một cách đầy đủ, phù hợp với thỏa thuận và theo quy định của pháp luật, còn với bên sử dụng dịch vụ, nghĩa vụ chính là thanh toán tiền như đã thỏa thuận (Khoản 1 Điều 78 và khoản 1 Điều 85 LTM)

– Hành vi vi phạm nghĩa vụ không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm tại Điều 294 LTM. 

Thứ hai, về mức PVP:

Theo quy định tại Điều 302 LTM 2005 thì “mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 luật này”. Như vậy pháp luật đã khống chế mức tối đa của khoản tiền phạt là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. 

Ngoại lệ của quy định này là trường hợp vô ý giám định sai (Điều 266 LTM), nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định vô ý giám định sai thì phải trả tiền phạt cho khách hàng với mức phạt là tối đa mười lần thù lao dịch vụ giám định. Ngoài ra, nếu pháp luật chuyên ngành có quy định khác về mức PVP thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành, ví dụ đối với vi phạm hợp đồng trong hoạt động xây dựng về công trình xây dựng có nguồn vốn nhà nước thì mức PVP do các bên thỏa thuận không được vượt quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm (Khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng 2014).

Chế tài bồi thường thiệt hại

Thứ nhất, về căn cứ áp dụng chế tài BTTH

Theo Điều 303 LTM, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm tại Điều 294 LTM thì chỉ khi đáp ứng đủ cả ba điều kiện này thì bên vi phạm mới được quyền áp dụng chế tài BTTH:

Có hành vi vi phạm hợp đồng: Cũng giống như chế tài PVP, chỉ cần xuất hiện hành vi vi phạm hợp đồng nói chung là đã có thể áp dụng chế tài BTTH chứ không bắt buộc đó phải là vi phạm nghĩa vụ chính, nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng. Chẳng hạn, trong hợp đồng mua bán hàng hóa giữa, người bán đã thực hiện đúng nghĩa vụ chính trong hợp đồng là giao hàng đúng chất lượng, số lượng đã thỏa thuận nhưng lại giao nhầm địa điểm. Nếu có thiệt hại phát sinh thì trường hợp này vẫn có thể áp dụng chế tài BTTH bởi việc phân định nghĩa vụ chính – nghĩa vụ phụ không ảnh hưởng tới yêu cầu BTTH của bên bị vi phạm.

Có thiệt hại xảy ra trong thực tế: Thiệt hại thực tế bao gồm thiệt hại trực tiếp (Thiệt hại xảy ra trên thực tế có thể tính toán một cách dễ dàng, chính xác) và thiệt hại gián tiếp (Thiệt hại dựa trên suy đoán khoa học mới có thể xác định được). 

Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra trong thực tế: Hành vi vi phạm nghĩa vụ phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại thực tế, còn thiệt hại thực tế là hậu quả phát sinh trực tiếp từ hành vi vi phạm nghĩa vụ.  

Thứ hai, về nghĩa vụ chứng minh và hạn chế tổn thất của bên yêu cầu BTTH.

– Về nghĩa vụ chứng minh tổn thất: Điều 304 LTM 2005 quy định nghĩa vụ chứng minh tổn thất thuộc về bên bị vi phạm. Nếu bên bị vi phạm không chứng minh được tổn thất, khoản lợi trực tiếp mà họ đáng lẽ được hưởng thì cũng sẽ không được bồi thường.  

Về nghĩa vụ hạn chế tổn thất: Điều 305 LTM quy định bên cạnh việc bồi thường của bên vi phạm thì bên bị vi phạm hay bên yêu cầu bồi thường cũng phải có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, kể cả tổn thất với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng. Nếu bên bị vi phạm không áp dụng các biện pháp đó thì bên vi phạm có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị BTTH bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.  

Trường hợp miễn trách nhiệm phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại đối với hành vi vi phạm hợp đồng.  

Bên vi phạm được miễn trách nhiệm nếu chứng minh được là mình không có lỗi bằng cách chỉ ra những hoàn cảnh khách quan (do các bên thỏa thuận, được quy định trong luật) khiến mình không thể thực hiện hợp đồng hoặc không thể thực hiện đúng hợp đồng. Điều 294 LTM đã quy định những trường hợp sau bên vi phạm được miễn trách nhiệm PVP và BTTH:

Thứ nhất, miễn trách nhiệm theo thỏa thuận: Các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận trước trong hợp đồng về các trường hợp bên vi phạm miễn trách nhiệm. Tuy nhiên điều khoản về các trường hợp miễn trách nhiệm này phải đảm bảo tính tự nguyện. Thỏa thuận giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm phải tồn tại trước khi xảy ra vi phạm.  

Thứ hai, do sự kiện bất khả kháng: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (Điều 156 Bộ luật dân sự 2015).

Thứ ba, hoàn toàn lỗi của bên kia: Nguyên nhân của hành vi vi phạm của bên vi phạm là do hành vi có lỗi của bên bị vi phạm. Ví dụ, trong hợp đồng gia công 50 bộ bàn ghế giữa công ty X (bên đặt gia công) và công ty Y (bên nhận gia công), công ty X có nghĩa vụ cung cấp nguyên liệu cho công ty Y để Y gia công hàng hóa. Hai bên có thỏa thuận nếu đến thời điểm giao hàng theo thỏa thuận mà bên Y không giao hàng cho bên X thì bên Y phải trả một khoản tiền PVP bằng 5% giá trị hàng hóa không giao đúng thời hạn. Khi đến hạn giao hàng, bên Y không giao hàng được cho bên X do bên X không cung cấp nguyên liệu. Trường hợp này hành vi vi phạm hoàn toàn do lỗi của bên X nên bên Y được miễn trách nhiệm trả tiền PVP.

Thứ tư, miễn trách nhiệm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền: Trong thực hiện hoạt động thương mại, trường hợp vi phạm hợp đồng do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước vẫn thường xảy ra. Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán hàng hóa thịt gia cầm giữa công ty A (bên bán) và công ty B (bên mua), hai bên đã thỏa thuận nếu đến thời điểm giao hàng đã thỏa thuận mà công ty A không giao hàng thì phải chịu một khoản tiền phạt là 5% giá trị số hàng hóa không giao đúng hạn. Tuy nhiên sau đó UBND cấp tỉnh ra quy định về việc tuyên bố vùng dịch bệnh và cấm nuôi, giết mổ trong vùng dịch mà công ty A lại nằm trong vùng dịch đó nên không thể thực hiện hợp đồng đối với công ty B. Trường hợp này A sẽ được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước.

Trên đây là bài viết tư vấn về “chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại theo Luật Thương mại 2005” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline : 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885