NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

bởi Apra Law

Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế trên toàn cầu hoạt động chuyển giao công nghệ là điều cần thiết và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt, đối với những nước đang trong quá trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, trong đó có Việt Nam. Để việc chuyển giao công nghệ giữa các nước đem lại hiệu quả cao các doanh nghiệp cần phải hiểu được những quy định trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Chuyển giao công nghệ là gì?

Theo Điều 2 của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 quy định chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ. 

Ví dụ: Hãng xe hơi Mazda (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ sản xuất ô tô cho Công ty Trường Hải để mở rộng thị trường tại Việt Nam. Với việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật từ Mazda, Trường Hải được phép sản xuất và lắp ráp những chiếc ô tô hoàn chỉnh theo công nghệ của Mazda, sau đó bán cho người tiêu dùng.

Chuyển giao công nghệ bao gồm:

– Chuyển giao công nghệ trong nước là việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam.

– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là việc chuyển giao công nghệ qua biên giới Việt Nam.

– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài là việc chuyển giao công nghệ từ lãnh thổ Việt Nam qua biên giới ra nước ngoài.

Đối tượng được chuyển giao công nghệ

Không phải tất cả các đối tượng công nghệ đều được phép chuyển giao mà chỉ có một số đối tượng được quy định tại Điều 4 của Luật Chuyển giao công nghệ mới được phép thực hiện. Những đối tượng chuyển giao công nghệ đó, bao gồm:

– Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;

– Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;

– Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;

– Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng nêu trên.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp đối tượng chuyển giao công nghệ nêu trên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Hình thức chuyển giao công nghệ

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ của mình có thuộc đối tượng được phép chuyển giao, các bên chuyển giao công nghệ có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:

Thứ nhất, chuyển giao công nghệ độc lập;

Thứ hai, phần chuyển giao công nghệ (Bao gồm các trường hợp: Dự án đầu tư; góp vốn bằng công nghệ; nhượng quyền thương mại; chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ; mua, bán máy móc, thiết bị);

Thứ ba, chuyển giao công nghệ bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình chuyển giao công nghệ độc lập và chuyển giao công nghệ bằng góp vốn công nghệ thì phải được lập thành hợp đồng còn việc chuyển giao công nghệ bằng hình thức đầu tư dự án, nhượng quyền thương mại, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, mua, bán máy móc, thiết bị và bằng các hình thức khác theo quy định pháp luật được thể hiện dưới dạng hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng.

Phương thức chuyển giao công nghệ

Lựa chọn phương thức chuyển giao công nghệ là bước rất quan trọng trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Bởi phương thức chuyển giao đúng quy định và phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sẽ giúp các bên tiết kiệm chi phí, thời gian và đặc biệt là tránh được những hậu quả pháp lý sau này. Theo quy định tại Điều 6 của Luật Chuyển giao công nghệ, các phương thức các bên lựa chọn chuyển giao công nghệ cho nhau, bao gồm:

– Chuyển giao tài liệu về công nghệ;

– Bên chuyển giao đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời gian các bên đã thỏa thuận;

– Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận;

– Bên chuyển giao phải chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ;

– Phương thức khác do các bên đã thỏa thuận.

Quyền chuyển giao công nghệ

Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng công nghệ. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng công nghệ được chuyển chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác khi chủ sở hữu công nghệ đồng ý.

Trong quá trình chuyển giao, quy định phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ là do các bên thỏa thuận về độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ hay quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba.

Hành vi bị nghiêm cấm trong chuyển giao công nghệ

Trong hoạt động chuyển giao công nghệ, các bên cần lưu ý đến những hành vi bị nghiêm cấm trong chuyển giao công nghệ để hạn chế phát sinh rủi ro. Đó là những hành vi sau:

– Lợi dụng chuyển giao công nghệ làm ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, sức khỏe con người, môi trường, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.

– Chuyển giao công nghệ bị cấm chuyển giao; chuyển giao trái phép công nghệ hạn chế chuyển giao.

– Vi phạm quy định về quyền chuyển giao công nghệ.

– Lừa dối, giả tạo trong việc lập, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung công nghệ trong hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư.

– Cản trở, từ chối cung cấp thông tin về hoạt động chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.  

– Tiết lộ bí mật công nghệ trái quy định pháp luật, gây cản trở hoạt động chuyển giao công nghệ.

– Sử dụng công  nghệ không đúng với công nghệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.

Như vậy, có thể thấy việc chuyển giao công nghệ đem lại một bước tiến mới cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Chuyển giao công nghệ là nhu cầu thiết yếu đối với mỗi doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế, tăng tính cạnh tranh, do đó, các doanh nghiệp cầm tìm hiểu và nắm bắt một số quy định cơ bản trong hoạt động chuyển giao công nghệ giúp hạn chế các vấn đề pháp lý về sau. Bên cạnh đó, giúp các doanh nghiệp hạn chế tiếp nhận công nghệ mới từ các nước tiên tiến mà không có chiến lược, định hướng rõ ràng.

Trên đây là bài viết về “Những quy định về chuyển giao công nghệ” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm,

Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

1 bình luận

javmax.cc 28/12/2024 - 6:41 sáng

My brother suuggested I might like this blog. He was entirely right.
Thhis post actually mace my day. Yoou can not belkieve just howw a
llot time I had spent for this information! Thank you!

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885