XỬ LÝ NỢ XẤU BẰNG BIỆN PHÁP HOÁN ĐỔI NỢ XẤU THÀNH VỐN GÓP

bởi Apra Law

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì Nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5, trong đó nợ thuộc các nhóm 3,4,5 được quy định cụ thể tại khoản 1 điều 10 Thông tư này có số ngày quá hạn thanh toán từ 90 (Chín mươi) ngày trở lên. 

Việc hoán đổi nợ xấu thành vốn góp được hiểu là việc ngân hàng thương mại thay vì thu hồi tiền nợ đã cho doanh nghiệp vay, sẽ lấy khoản nợ xấu đó để “mua” chính cổ phần của doanh nghiệp với giá tương đương hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên và trở thành chủ sở hữu một phần của doanh nghiệp nhằm xử lý nợ xấu.

Quy định trong lĩnh vực ngân hàng

Phần B, Mục II, Khoản 2, điểm đ Quyết định số 1058/QĐ – TTg ngày 19/07/2017 (“Quyết định 1058“) quy định: “Đối với các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước: đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm xác định định hướng hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó: Xử lý dứt điểm tài sản bảo đảm của khoản nợ (Nếu có); Trường hợp tiếp tục duy trì hoạt động thì cho phép tổ chức tín dụng chuyển nợ thành vốn góp hoặc bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp để có nguồn trả nợ tổ chức tín dụng; Cho phá sản doanh nghiệp để tổ chức tín dụng thu hồi khoản nợ liên quan”. Như vậy, ngân hàng thương mại được phép chuyển đổi nợ xấu thành vốn góp đối với nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên khi chuyển đổi, ngân hàng thương mại phải tuân thủ quy định về giới hạn tỷ lệ góp vốn, mua lại cổ phần tại khoản 1, 2 và khoản 6 Điều 129 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi năm 2017. Ngoài ra, nội dung này được quy định chi tiết hơn tại Thông tư số 51/2018/TT – NHNN (“Thông tư 51“), quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, dựa trên quy định tại Điều 103 và Điều 110 của Luật các tổ chức tín dụng 2010.

Quy định trong lĩnh vực chứng khoán

Khoản 10 Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán (“Nghị định 155“) đưa ra định nghĩa như sau:

“Phát hành cổ phiếu để hoán đổi là việc phát hành thêm cổ phiếu để đổi lấy cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp khác, để hoán đổi khoản nợ của tổ chức phát hành đối với chủ nợ.” 

Quy định này đồng nghĩa với việc pháp luật cho phép các ngân hàng thương mại được hoán đổi nợ xấu thành cổ phiếu của công ty cổ phần nhằm xử lý nợ xấu. Việc hoán đổi nợ xấu thành cổ phiếu được thực hiện theo thủ tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Ngày 16/7/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2071 triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020″, đồng thời nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ xấu tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp. Như vậy, theo đề án này, nợ xấu sẽ được chuyển thành trái phiếu hoặc cổ phiếu được xử lý bởi một tổ chức chuyên trách và thị trường chứng khoán này được đảm bảo bởi tài sản thế chấp hoặc bởi một tổ chức tín dụng hay một cơ quan quản lý.

Chuyển đổi nợ xấu thành vốn góp trên thực tế đã được nhiều ngân hàng thương mại áp dụng và đã mang lại những kết quả tích cực trong nhiều năm qua, tạo ra một kênh huy động vốn rất tốt cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang trong thời kỳ khủng hoảng. Đặc biệt, với hoạt động chuyển đổi vốn nợ thành vốn góp, doanh nghiệp có thể có được sự linh hoạt trong việc thay đổi cấu trúc tài chính để cân bằng giữa khả năng tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trước các tình huống khác nhau của thị trường.  

Tuy nhiên, xoay quanh giải pháp này phần nhiều là các ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ngân hàng là trung gian tài chính, chuyên cung ứng vốn và dịch vụ lại đi sở hữu cổ phần, đầu tư như vậy sẽ gặp nhiều rủi ro trong các lĩnh vực khác không phải chuyên môn và sở trường của ngân hàng. Hơn nữa, về tỷ lệ vốn mà ngân hàng thương mại được sở hữu tại doanh nghiệp cũng như tỷ lệ vốn mà ngân hàng thương mại được mang đi để góp vốn vào doanh nghiệp. Với việc không được sở hữu vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp và phải xin ý kiến của ngân hàng thương mại nếu doanh nghiệp nhận vốn góp không thuộc các lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, tín dụng tiêu dùng…, chính những thủ tục pháp lý phức tạp và tỷ lệ sở hữu tối đa thấp như vậy, các ngân hàng thương mại khi trở thành cổ đông sẽ khó lòng có thể đóng vai trò chi phối và điều hành doanh nghiệp được. Như vậy, khả năng để ngân hàng thương mại tham gia sâu vào việc tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ khó đạt được sự chủ động và kết quả như mong đợi. Đây là rào cản rất lớn để các ngân hàng thương mại chủ động xử lý nợ xấu thông qua các khoản góp vốn tại doanh nghiệp.

Trên đây là bài viết về “Xử lý nợ xấu bằng biện pháp hoán đổi nợ xấu bằng vốn góp” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885