THỰC TRẠNG PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM

bởi Apra Law

Thuật ngữ “Phá sản” thường được sử dụng để chỉ những chủ thể bị lâm vào tình trạng hỗn loạn về tài chính và không còn khả năng thanh toán các khoản nợ. Có nhiều mức độ phá sản khác nhau, bao gồm từ tình trạng bị mất khả năng thanh toán tạm thời cho đến những trường hợp chấm dứt sự hoạt động của doanh nghiệp với tư cách một thực thể kinh doanh.

Kinh tế – xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội trên toàn quốc. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm các doanh nghiệp lao đao, mất chỗ đứng trên thị trường và lâm vào tình trạng giải thể hoặc phá sản do kinh doanh thua lỗ.

Tình trạng phá sản doanh nghiệp tại nước ta nửa đầu năm 2020

Báo cáo đánh giá, bổ sung tình hình kinh tế – xã hội quý 1 và dự báo thời gian còn lại của năm 2020 của Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư cho công bố các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý 1, tình hình giải thể phá sản doanh nghiệp quý 1. Qua đó cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu, dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000 doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. 12.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,6%; 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 0,02%).

Qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) riêng trong Quý I/2020 đã có 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, đây là một con số kỷ lục từ trước tới nay (lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới).

Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI, tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh.

Cũng theo VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

Ví dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết dự báo sang quý 2 sẽ suy giảm nghiêm trọng, số lượng DN phải ngừng sản xuất, phá sản nguy cơ tăng cao. Theo khảo sát của Hiệp hội DN TPHCM, chỉ có 21% DN tham gia khảo sát trả lời tiếp tục cầm cự được đến hết tháng 5;  12% DN tiếp tục duy trì đến hết tháng 6; 12% DN  có khả năng duy trì đến hết tháng 9. Chỉ có 2% DN duy trì được đến cuối năm và 19% DN công bố sẽ phá sản trong quý 2.

Chính phủ đề ra mục tiêu đất nước sẽ đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 nhưng vì tình hình dịch bệnh diễn biến bất ngờ và phức tạp khiến vô số doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao dẫn đến phá sản rút lui khỏi thị trường. Vậy giải pháp nào cho doanh nghiệp có thể bám trụ thị trường, tránh lâm vào tình trạng phá sản.

Giải pháp ngăn chặn tình trạng phá sản doanh nghiệp

Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng Covid-19 đợt 2 diễn ra trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Hai là, các cơ quan có thẩm quyền nên tính đến việc tạm hoãn ngay việc nộp các khoản thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể. Bởi quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo chỉ thị của Thủ tướng của các bộ, ngành còn chậm, DN có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng. Ngoài việc thực hiện giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí…, Chính phủ trình Quốc hội có các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này.

Ba là, ngân hàng Nhà nước giảm sâu lãi suất cho vay thêm 2%-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4%-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2%-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng DN được hưởng hỗ trợ do trên thực tế các ngân hàng thương mại thực hiện khác nhau. Đồng thời, xem xét nới lỏng các tiêu chí cho phép cung cấp các khoản vay bình thường và các khoản vay lãi suất thấp.

Bốn là, một vấn đề quan trọng nữa là thực thi và giám sát thực hiện các chính sách và nhiệm vụ được giao. Để đạt được điều đó thì cần phải bảo đảm công khai, minh bạch đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình hỗ trợ DN, tránh việc lợi dụng chính sách, cơ chế xin-cho hoặc gây khó khăn, phiền hà cho DN. Thực hiện minh bạch thông tin, quy trình, giải trình tiến độ thực hiện các giải pháp tương tự như thông tin, quy trình chống dịch.

Mặc dù vậy nếu doanh nghiệp chỉ dựa vào sự hỗ trợ, tiếp sức của Nhà nước là chưa đủ, hoặc chỉ có thể kéo dài thời gian tồn tại cho doanh nghiệp chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi. Do đó, ngoài việc chờ hỗ trợ từ bên ngoài, chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần tự mình có giải pháp cho chính mình như sau.

Một là, đại dịch tác động mạnh đến doanh nghiệp nhưng cũng vì đó cũng đã cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt đã bộc lộ những lỗ hổng quản trị như khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng và khả năng thích ứng… Vì vậy, việc áp dụng Bộ chỉ số DN bền vững trong quản trị (CSI) là một công cụ rất hiệu quả, giúp DN định hình chỗ đứng trên thị trường. Từ đó góp phần thúc đẩy DN phát triển bền vững trong tương lai.

Hai là, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, phải tự cứu mình, tiếp tục phát huy các sáng kiến, các giải pháp để tiếp tục trụ vững và phát triển. Các doanh nghiệp cần tái cấu trúc doanh nghiệp, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số và hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành; đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. 

Trên đây là bài viết về “Thực trạng phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ : Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline : 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

1 bình luận

binance 30/12/2024 - 3:32 chiều

Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885