Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoài các khái niệm về loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, khái niệm “nhóm công ty” được nhắc tới như một mô hình liên kết các doanh nghiệp. Vậy các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình nhóm công ty liên kết với nhau ra sao? Bài viết dưới đây sẽ phân tích sự liên kết trong nhóm công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Nhóm công ty là gì?
Nhóm công ty được định nghĩa là tập hợp các công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Nhóm công ty bao gồm công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Tập đoàn kinh tế và tổng công ty là các ví dụ về nhóm công ty. Về bản chất, đây là sự liên kết doanh nghiệp có tính chất liên kết nhóm, được hình thành từ những chủ thể kinh doanh độc lập. Vì vậy, nhóm công ty không phải là một chủ thể kinh doanh độc lập, nói cách khác là không có tư cách pháp nhân.
Mặc dù công ty mẹ kiểm soát công ty con, quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con phải dựa trên cơ sở độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập, cụ thể, công ty mẹ là thành viên hoặc cổ đông của công ty con và không được phép can thiệp vào hoạt động của công ty con ngoài thẩm quyền của thành viên/cổ đông và không được bắt công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh trái với “thông lệ kinh doanh bình thường” hoặc “thực hiện hoạt động không sinh lời”.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định cấm sở hữu chéo lẫn nhau trong nhóm công ty. Các công ty con không được góp vốn hoặc mua cổ phần của công ty mẹ và các công ty con của cùng một công ty mẹ cũng không được cùng nhau góp vốn hoặc mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau (Khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Trường hợp hình thành nhóm công ty
Thứ nhất, một công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng cổ phần phổ thông của công ty khác: Quan hệ kiểm soát có thể được xác lập trên cơ sở quyền sở hữu và đây là tiêu chí rõ ràng nhất để xác định quan hệ công ty mẹ – công ty con. Một công ty sở hữu “trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng cổ phần phổ thông của công ty đó” là trường hợp đầu tiên mà một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác.
Thứ hai, bổ nhiệm đa số người quản lý. Quan hệ kiểm soát có thể xác lập trên có sở quyền quản lý. Công ty có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số các thành viên trong Hội đồng quản trị và (Tổng) Giám đốc của công ty khác được coi là công ty mẹ của công ty đó. Quyền quản lý này có thể dựa trên cơ sở hợp đồng hoặc một hình thức thỏa thuận khác. Các thành viên/cổ đông có thể thỏa thuận với nhau là một hoặc nhiều thành viên hoặc cổ đông sẽ kiểm soát và quản lý công ty, kể cả việc bổ nhiệm đa số thành viên Hội đồng quản trị và (Tổng) Giám đốc của công ty. Một thỏa thuận như vậy có thể làm phát sinh quan hệ công ty mẹ – công ty con giữa thành viên hoặc cổ đông có quyền kiểm soát việc quản lý công ty (Với tư cách là công ty mẹ) và công ty (Với tư cách là công ty con) mặc dù thành viên hoặc cổ đông đó có thể sở hữu ít hơn 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó.
Thứ ba, sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ. Quan hệ kiểm soát có thể xác lập trên cơ sở quyền sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ công ty. Công ty có quyền quyết định việc sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ công ty khác cũng được coi là công ty mẹ của công ty khác đó. Các thành viên/cổ đông có thể thỏa thuận với nhau là một hoặc nhiều thành viên/cổ đông có quyền kiểm soát việc sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ của công ty. Một thỏa thuận như vậy có thể làm phát sinh quan hệ công ty mẹ – công ty con giữa các thành viên hoặc cổ đông có quyền kiểm soát việc sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ (Với tư cách là công ty mẹ) và công ty (Với tư cách là công ty con) mặc dù cho thành viên hoặc cổ đông có thể sở hữu ít hơn 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó.
Các hình thức liên kết trong nhóm công ty
Thứ nhất, liên kết về vốn trong nhóm công ty. Liên kết về vốn là hình thức liên kết chủ yếu trong các nhóm công ty tại Việt Nam. Liên kết về vốn trong nhóm công ty được hình thành từ quá trình đầu tư của công ty này nhằm sở hữu cổ phần, phần vốn góp trong công ty khác. Hoạt động đầu tư bao gồm góp vốn thành lập công ty, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty. Liên kết vốn thường mang tính chi phối mạnh và là liên kết chủ yếu của mô hình công ty mẹ – con trong nhóm công ty.
Ví dụ CTCP Tập đoàn Vingroup hình thành lên nhóm công ty theo cách thức thành lập các công ty con như CTCP Phát triển công nghệ VinTech, CTTNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast, CTCP Nghiên cứu và sản xuất Vinsmart cùng 29 công ty khác thuộc ngành Thương mại – dịch vụ trong hệ sinh thái Vingroup. Nhóm công ty này hoạt động trên một hệ sinh thái đồng bộ và công ty mẹ là CTCP Tập đoàn Vingroup tiến hành cổ phần hóa một phần vốn trong các CTCP, giữ lại quyền kiểm soát hoạt động các công ty trên phát triển theo hướng và mục đích mà công ty mẹ mong muốn. Sự liên kết hoạt động của nhóm công ty này dựa trên sự liên kết về vốn giữa công ty mẹ và công ty con, cũng như liên kết tạo thành một tổ hợp kinh doanh giữa các công ty con với nhau.
Thứ hai, liên kết về quyền sở hữu công nghiệp trong nhóm công ty. Có hai hình thức liên kết sở hữu công nghiệp trong nhóm công ty đó là: (i) liên kết giữa các đồng sở hữu chung quyền sở hữu công nghiệp; (ii) liên kết giữa công ty sở hữu quyền sở hữu công nghiệp và công ty được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Liên kết giữa các đồng sở hữu chung quyền sở hữu công nghiệp được hình thành khi các công ty cùng nhau đăng ký và thực hiện các hoạt động pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp. Giữa các công ty có mối quan hệ chặt chẽ để cùng nhau thụ hưởng những lợi ích từ quyền sở hữu công nghiệp và xây dựng cơ chế để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đó. Liên kết giữa công ty sở hữu quyền sở hữu công nghiệp và công ty nhận chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được hình thành trên cơ sở hợp đồng chuyển giao đối tượng quyền sở hữu công nghiệp.
Thứ ba, liên kết về thị trường trong nhóm công ty. Liên kết thị trường trong nhóm công ty hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các công ty độc lập nằm trong các khâu trong quá trình sản xuất (theo chiều dọc) và trên cùng thị trường liên quan (theo chiều ngang). Liên kết thị trường trong nhóm doanh nghiệp có tính bền vững, lâu dài, các công ty trong liên kết hoạt động kinh doanh độc lập nhưng vẫn tuân thủ những lợi ích chung của toàn bộ nhóm doanh nghiệp. Trong liên kết có công ty giữ quyền chi phối, công ty này được thực hiện việc phân chia thị trường cho các công ty còn lại trong liên kết.
Thứ tư, liên kết kinh doanh tạo thành tổ hợp kinh doanh trong nhóm công ty. Hình thức liên kết kinh doanh tạo thành tổ hợp là hình thức liên kết giữa các công ty về nhãn hiệu (Co-branding), về địa điểm kinh doanh (Co-location) để tạo thành một sản phẩm hoặc một hệ thống cung cấp dịch vụ. Những liên kết kinh doanh tạo thành tổ hợp đòi hỏi mức độ phức tạo và bền vững trong liên kết. Đây không phải dạng liên kết theo vụ việc mà sự liên kết ở đây có tính lâu dài, quyền lợi của các bên bị chi phối lẫn nhau, từ đói tạo nên tính ổn định và bền vững của liên kết.
Ngoài ra còn một số hình thức liên kết khác như: Liên kết thông qua quyền khai thác tài nguyên; liên kết thông qua việc công ty mẹ nắm giữ thị trường của công ty con, công ty mẹ nắm giữ hầu như toàn bộ thị trường của công ty con. Theo đó, hầu hết những sản phẩm dịch vụ của công ty con đều cung ứng cho công ty mẹ
Trên đây là bài viết tư vấn về “Sự liên kết trong nhóm công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline : 024.23486234 – 0948495885