QUYỀN RÚT YÊU CẦU KHỞI KIỆN CỦA NGƯỜI KHỞI KIỆN TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

bởi Apra Law

Rút yêu cầu khởi kiện trong vụ án hành chính là một trong những nội dung thuộc quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, được ghi nhận tại Điều 8 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Việc thực hiện quyền rút yêu cầu khởi kiện là cơ hội để vụ án hành chính được chấm dứt một cách nhanh chóng, triệt để theo nguyện vọng của chủ thể đã làm phát sinh quá trình tố tụng, từ đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí tố tụng.

Quyền rút yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện trong vụ án hành chính được chia theo các giai đoạn của vụ án tố tụng như sau: 

Giai đoạn đầu tiên là trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hành chính.

Thứ nhất, trong trường hợp việc rút yêu cầu khởi kiện là ý chí đơn phương của người khởi kiện.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về việc đình chỉ giải quyết vụ án như sau: “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút;

Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập.” 

Theo quy định trên, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án hành chính khi người khởi kiện rút đơn bất kể lí do gì từ phía người khởi kiện. Hay có thể hiểu rằng, ở giai đoạn này, người khởi kiện sẽ có toàn quyền quyết định và quyền định đoạt việc chấm dứt giải quyết yêu cầu khởi kiện của mình, cho dù Tòa án có các quyết định khác nhau đối với từng vụ án.

Thứ hai, việc rút yêu cầu khởi kiện là kết quả do hai bên thỏa thuận

Khoản 2 Điều 140 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: “Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện. Người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.”

Pháp luật luôn luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên tố tụng, do đó trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án sẽ có tổ chức phiên họp đối thoại để tạo điều kiện cho các bên có cơ hội trao đổi một lần nữa, làm rõ các nội dung liên quan đến vụ việc. Nếu qua buổi trao đổi đó mà các bên có sự thỏa thuận thống nhất, và bên khởi kiện tự nguyện rủt đơn khởi kiện, thì Thẩm phán sẽ đình chỉ giải quyết vụ án theo yêu cầu.

Như vậy, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện có thể do ý chí đơn phương hoặc do đối thoại mà thành, nhưng họ có toàn quyền quyết định và tự định đoạt về việc rút yêu cầu khởi kiện. Khi người khởi kiện đã rút yêu cầu khởi kiện, Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án hành chính hoặc đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút.

Giai đoạn thứ hai là tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính.

Khoản 2 Điều 173 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: “Trường hợp đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu mà đương sự đã rút”.

Theo quy định này, ở giai đoạn phiên tòa sơ thẩm của vụ án thì việc rút yêu cầu của các bên nói chung chỉ được Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận nếu việc rút đó là do tự nguyện. Người khởi kiện ở đây không có toàn quyền quyết định việc rút yêu cầu, mà còn phải phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm. 

Giai đoạn thứ ba là trong giai đoạn phúc thẩm vụ án hành chính. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Luật Tố tụng hành chính, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi người bị kiện có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà có cách thức giải quyết khác nhau. Nếu người bị kiện không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong trường hợp đương sự đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Ở giai đoạn này, người khởi kiện không có toàn quyền quyết định việc rút đơn khởi kiện mà sẽ phải tùy thuộc vào sự đồng ý của người bị kiện và các đương sự khác. 

Trên đây là bài viết tư vấn về “Quyền rút yêu cầu khởi kiện của người khởi kiên trong vụ án hành chính” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

1 bình luận

Rastrear Teléfono Celular 09/02/2024 - 7:15 sáng

El monitoreo de teléfonos celulares es una forma muy efectiva de ayudarlo a monitorear la actividad del teléfono celular de sus hijos o empleados.

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885