Theo nguyên tắc lãnh thổ, phán quyết của trọng tài nước nào tuyên sẽ chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của nước đó. Để một phán quyết của Hội đồng trọng tài tuyên trên lãnh thổ một quốc gia khác được thi hành trên lãnh thổ của quốc gia này thì cần phải phải thông qua thủ tục pháp lý đặc biệt – thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Sau đây gọi tắt là “TTNN”).
Công nhận, cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài là gì?
Công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của một quốc gia thừa nhận giá trị pháp lý của phán quyết của TTNN và làm cho phán quyết đó có hiệu lực cưỡng chế thi hành.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tòa án nhân dân là cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét công nhận, cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam. Thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận, cho thi hành phải tuân theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Sau đây gọi tắt là “BLTTDS”).
Nguyên tắc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Nguyên tắc về công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN được quy định tại Điều 424 BLTTDS, cụ thể:
Thứ nhất, việc công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam dựa trên cơ sở các ĐƯQT mà quốc gia đó và Việt Nam là thành viên.
Thứ hai, việc công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam dựa trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Một quốc gia sẽ tiến hành công nhận và cho thi hành quyết định của TTNN khi quốc gia nước ngoài đó cũng đã tiến hành công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước minh khi có yêu cầu công nhận.
Thứ ba, phán quyết của TTNN được công nhận và cho thi hành phải là quyết định cuối cùng của Hội đồng trọng tài. Phạm vi quyết định được xem xét công nhận và cho thi hành chỉ có thể là phán quyết – quyết định cuối cùng giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp mà sau khi ban hành quyết định đó, tố tụng trọng tài sẽ chấm dứt. Quyết định cuối cùng sẽ có tính chung thẩm và không bị kháng cáo, kháng nghị.
Thủ tục công nhận, cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Thứ nhất, chủ thể có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN: Theo khoản 1 Điều 425 BLTTDS, người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn yêu cầu công nhân nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN. Tuy nhiên, để đơn đó được chấp thuận thì các cá nhân, tổ chức cần thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
– Cá nhân phải thi hành cư trú hoặc làm việc tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.
– Cơ quan, tổ chức có trụ sở chính tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.
– Tài sản liên quan đến việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam tại thời điểm yêu cầu.
Thứ hai, thẩm quyền công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam: Việc công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN là việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, cụ thể là TAND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm yêu cầu công nhận và cho thi hành.
Thứ ba, thời hạn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành: BLTTDS quy định thời hạn nộp yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Điều 451 là 03 năm kể từ khi phán quyết của TTNN có hiệu lực. Trường hợp người làm đơn chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn (Khoản 2 Điều 451 BLTTDS).
Thứ tư, cơ quan tiếp nhận đơn yêu cầu: Bộ Tư pháp hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN. Trong trường hợp bên yêu cầu gửi đơn đến Bộ Tư pháp, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo đơn yêu cầu, Bộ Tư pháp sẽ phải chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền.
Thứ năm, thủ tục thụ lý và xét đơn yêu cầu (Điều 457 BLTTDS): Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tòa án sẽ phải xem xét, thụ lý và thông báo cho người được thi hành, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày thụ lý, Tòa án sẽ ra một trong các quyết định sau: Tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; Mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Thứ sáu, phiên họp xét đơn yêu cầu (Điều 458 BLTTDS): Hội đồng xét đơn gồm 3 thẩm phán, quyết định theo nguyên tắc đa số. Tòa án không xét xử lại vụ tranh chấp đã được TTNN giải quyết mà chỉ kiểm tra, đối chiếu phán quyết của TTNN, các giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu với các quy định của của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan để ra quyết định công nhận hay không công nhận phán quyết đó (Khoản 4 Điều 458 BLTTDS).
Thứ bảy, kháng cáo, kháng nghị: Quyền kháng cáo, kháng nghị được quy định tại Điều 426 BLTTDS năm 2015, theo đó quyền kháng cáo thuộc về các đương sự và quyền kháng nghị thuộc về Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Thẩm quyền giải quyết kháng cáo, kháng nghị quyết định thuộc về Tòa án nhân dân cấp cao. Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao có thể thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Thứ tám, thi hành quyết định về công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN: Phán quyết của TTNN được tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như phán quyết của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự (Điều 427 BLTTDS).
Các trường hợp không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Các trường hợp không công nhận và cho thi hành được quy định tại Điều 459 BLTTDS, cụ thể:
– Các bên đã ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên.
– Thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó.
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định trọng tài viên, thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại TTNN.
– Phán quyết của TTNN được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài;
– Thành phần của TTNN, thủ tục giải quyết tranh chấp của TTNN không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của TTNN đã được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó;
– Phán quyết của TTNN chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên.
– Phán quyết của TTNN bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành.
– Theo pháp luật Việt Nam, tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài.
– Phán quyết của TTNN sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Trên đây là bài viết tư vấn về “Công nhận, cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline : 024.23486234 – 0948495885
1 bình luận
Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good.