Gần đây, dư luận đang xôn xao về vụ việc đoàn làm phim hài Tết “Chuyện làng Bồm” thuộc Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Thăng Long về làng Mông Phụ để quay phim. Tuy nhiên trong quá trình quay phim, đoàn làm phim đã có hành vi tự ý sơn trát, tạo bối cảnh lên thành giếng đình thôn Mông Phụ (Thuộc khu di tích làng cổ Đường Lâm, đã được xếp hạng di tích quốc gia) bằng vật liệu vôi màu, gây bức xúc cho người dân. Theo biên bản, đoàn làm phim đã xin phép chính quyền địa phương (Bằng miệng) để thực hiện các cảnh quay tại di tích làng cổ Đường Lâm. Việc đoàn làm phim vẽ lên thành giếng đình thôn Mông Phụ chưa được báo cáo, chưa nhận được sự đồng ý của Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cũng như chính quyền địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trịnh Thuý Huyền – Giám đốc Công ty Luật Apra đã phân tích vụ việc thông qua góc nhìn pháp lý (Bạn đọc có thể tìm đọc bài báo với tiêu đề “Đoàn làm phim tự ý tô vẽ lên giếng cổ: Không đơn thuần là hành vi “thiếu ý thức” thông qua đường link: https://baophapluat.vn/doan-lam-phim-tu-y-to-ve-len-gieng-co-khong-don-thuan-la-hanh-vi-thieu-y-thuc-post421184.html). Ở bài viết này, Luật Apra sẽ tiếp tục phân tích, bình luận dưới góc độ pháp lý sâu sắc hơn liên quan đến vụ việc nêu trên.
Từ thái độ thiếu ý thức tôn trọng, bảo tồn di tích cổ đến hành vi vi phạm pháp luật
Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1984. Căn cứ vào Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 (“Luật Di sản văn hoá”) quy định về các khu vực bảo vệ di tích gồm: “Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích”. Ở đây, giếng cổ đình Mông Phụ có thể được coi là một trong những yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử Đình Mông Phụ thuộc khu Di tích Làng cổ Đường Lâm. Như vậy, đối tượng bị đoàn làm phim xâm phạm chính là yếu tố gốc cấu thành di tích, cụ thể là giếng cổ đình Mông Phụ.
Việc đoàn làm phim tự ý tô vẽ, làm mới để tạo bối cảnh đóng phim có thể coi là hành vi “Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá” bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 13 Luật Di sản văn hoá. Trên thực tế, mặc dù đoàn làm phim đã khắc phục hậu quả bằng cách cọ rửa lớp vôi ve bên ngoài, tuy nhiên tại thời điểm này không thể khôi phục được giếng đình Mông Phụ về nguyên trạng ban đầu. Đây không chỉ đơn thuần là hành vi thiếu ý thức tôn trọng, bảo tồn di tích cổ, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Về mặt pháp lý, khoản 1 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có quy định mức phạt tiền “từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Như vậy, căn cứ theo quy định trên, hành vi của đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hoá. Trên thế giới, chế tài xử phạt đối hành vi vẽ, viết bậy lên di tích là rất nặng. Ví dụ như Thái Lan, việc xâm hại di tích có thể chịu mức phạt tiền lên đến 10 triệu baht (khoảng 7 tỷ đồng). Ở Singapore, mức phạt của hành vi trên là 2.000 SGD (tương đương khoảng 34 triệu đồng), thậm chí cá nhân vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. So sánh với mức xử phạt tại các quốc gia trên thế giới, chế tài của Việt Nam đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật cũng đã có, song mới chỉ dừng ở phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng. Rõ ràng việc xử phạt này chưa thực sự đủ sức răn đe.
Ngoài ra, tại Điều 345 Bộ luật hình sự có quy định về tội “vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, để xem xét xử lý về hình sự cần làm rõ hành vi này có gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích Đình làng Mông Phụ hay không.
Trách nhiệm của Ban quản lý di tích với vai trò là tổ chức quản lý trực tiếp di sản văn hoá
Theo Biên bản tường trình của đoàn làm phim với Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, đoàn làm phim chỉ xin phép “miệng” với Chủ tịch UBND xã Đường Lâm để được đồng ý cho quay phim tại địa phương. Sau khi hành vi tự ý tô vẽ giếng cổ của đoàn làm phim được phản ánh bởi người dân, Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm mới cùng cán bộ xã tới hiện trường để giải quyết vụ việc, lập biên bản vi phạm và yêu cầu dừng việc quay phim để khắc phục vi phạm với di tích đình Mông Phụ. Chính vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của Đoàn làm phim, không thể không đề cập đến trách nhiệm của Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm với vai trò là tổ chức quản lý trực tiếp di sản văn hoá đã không “Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hoá” theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Di sản văn hoá. Đồng thời, căn cứ theo điểm b khoản 4 Điều 19 Quyết định 48/2016/QĐ-UBND do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 17/11/2016 về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Ban quản lý di tích cấp xã trong việc “Chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa ngăn chặn và kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã các hành vi vi phạm đến di tích, các nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của di tích và cảnh quan môi trường của di tích”.
Về trách nhiệm pháp lý, tuỳ vào mức độ lỗi và hành vi vi phạm, cá nhân, người quản lý liên quan có thể chịu một số hình thức kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Mặc dù Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm sau khi nhận được phản ánh từ phía người dân đã nhanh chóng, tích cực trong quá trình giải quyết vụ việc, yêu cầu Đoàn làm phim khắc phục vi phạm, tuy nhiên, sau vụ việc lần này, Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, nếu có việc quay phim tại di tích cần cử cán bộ để giám sát và kịp thời nhắc nhở./.
_________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 0948495885