CẤP, TỐNG ĐẠT VÀ THÔNG BÁO VĂN BẢN TỐ TỤNG

bởi Apra Law

Trong tố tụng dân sự, việc chuyển giao, báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ việc dân sự như đương sự, người làm chứng, người giám định …các văn bản tố tụng về vụ việc dân sự đang được giải quyết là rất cần thiết để họ biết thông tin và thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình. Tùy theo nội dung văn bản và yêu cầu thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của những người đó mà các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành chuyển giao hoặc báo cho họ biết nội dung các văn bản tố tụng dưới những hình thức nhất định như cấp, tống đạt hoặc thông báo nội dung. 

Trong đó, hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng giao cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ việc dân sự văn bản tố tụng để họ sử dụng được gọi là cấp văn bản tố tụng; hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng giao cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ việc dân sự văn bản tố tụng và buộc họ phải nhận được gọi là tống đạt văn bản tố tụng; hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ việc dân sự biết về những vấn đề liên quan đến họ được gọi là thông báo văn bản tố tụng. 

Thông thường người được thông báo, cấp, tống đạt các văn bản tố tụng là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự, bao gồm: đương sự, những người tham gia tố tụng khác. Ngoài ra, người được thông báo, cấp, tống đạt các văn bản tố tụng còn có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự. Hiện nay, thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được quy định tại các điều 170 đến 182 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Việc cấp, tống đạt và thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo đúng các quy định này thì được coi là hợp lệ.

Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt và thông báo

Các văn bản tố tụng phải cấp, tống đạt, thông báo cho những người có liên quan đến vụ việc dân sự là những văn bản tố tụng liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của họ. Trên cơ sở đó, phạm vi các văn bản tố tụng phải cấp, tống đạt hoặc thông báo được quy định tại điều 171 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bao gồm: 

  • Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự;
  • Bản án, quyết định của tòa án;
  • Quyết định kháng nghị của viện kiểm sát; các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự;
  • Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.

Trong quá trình tố tụng, tùy theo loại văn bản tố tụng cơ quan ban hành văn bản tố tụng và người có thẩm quyền của các cơ quan này tiến hành cấp, tống đạt hoặc thông báo cho những người tham gia tố tụng và những người liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự. Trong trường hợp cơ quan ban hành văn bản tố tụng hay người có thẩm quyền của cơ quan này không thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo thì những người tham gia tố tụng hoặc người có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự có quyền yêu cầu họ cấp, tống đạt hoặc thông báo cho mình các văn bản này theo thủ tục và trong thời hạn pháp luật quy định. Nếu không đáp ứng thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền của các cơ quan này hay quản lý cấp trên của cơ quan đó giải quyết. 

Nghĩa vụ của người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

Về nguyên tắc, cơ quan nào ban hành văn bản tố tụng phải cấp, tống đạt hoặc thông báo cho những người tham gia tố tụng hoặc những người liên quan văn bản tố tụng. Tại điều 170, 171 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án có nghĩa vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo các văn bản tố tụng cho những người liên quan đến vụ việc dân sự. Người tiến hành tố tụng hoặc cán bộ của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án có quyền hạn và nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan này trong việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng. 

Ngoài ra, để giúp các cơ quan ban hành các văn bản tố tụng thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc; đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính, người có chức năng tống đạt và những người khác mà pháp luật có quy định cũng có nghĩa vụ thực hiện cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng. 

Người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đó của mình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà những người này có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo các văn bản tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị hại theo quy định của pháp luật. 

Phương thức và thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

Theo điều 173 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, có các phương thức cấp tống đạt và thông báo các văn bản tố tụng sau: trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền; phương tiện điện tử; niêm yết công khai; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phương thức khác mà pháp luật quy định.  

Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp

Người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng có liên quan. Người được cấp, tống đạt hoặc thông báo phải kí nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng. Nếu người được cấp, tống đạt hoặc thông báo là cá nhân thì văn bản tố tụng cần được chuyển giao cho cá nhân. 

Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, ủy ban nhân dân, công an xã về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng. 

Trường hợp người nhận vắng mặt thì có thể giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt, thông báo. Người thân thích cùng cư trú được giao chuyển giao văn bản tố tụng cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo phải ký nhận. 

Ngày ký nhận của người thân thích cùng cư trú được coi là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện phải lập biên bản có chữ ký của người cung cấp thông tin. 

Đối với trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo các văn bản tố tụng là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. 

Thủ tục niêm yết công khai:

Trong những trường hợp không thể tống đạt trực tiếp thì phải niêm yết công khai các văn bản tố tụng. Thủ tục niêm yết công khai các văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, tòa án trực tiếp hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi có trụ sở cuối cùng của cơ quan tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo. Bản chứng được niêm yết tại trụ sở tòa án, ủy ban nhân dân cấp xã. Người thực hiện việc niêm yết phải cho lập biên bản phản ánh lại việc niêm yết công khai văn bản tố tụng. Trong biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm tiến hành niêm yết. Thời gian niêm yết công khai văn bản tố tụng là mười lăm ngày, kể từ ngày niêm yết. 

Thủ tục thông báo trên phương tiện đại chúng

Việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả thường thấp và không xác định rõ ràng. Tuy vậy nếu không thể tống đạt trực tiếp và có căn cứ xác định việc niêm yết công khai văn bản tố tụng không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản thì phải thực hiện theo phương thức này. Ngoài ra, việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc đương sự khác có yêu cầu. Trường hợp đương sự yêu cầu thông báo văn bản trên phương tiện thông tin đại chúng thì lệ phí thông báo do đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu. 

Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện theo quy định tại điều 180 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, theo quy định của Điều luật này, thì thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên cổng thông tin điện tử của Tòa án, trên một trong các báo hàng ngày của Trung ương trong 3 số liên tiếp và phát sóng trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình của Trung ương ba lần trong ba ngày liên tiếp.

Trên đây là bài viết về “Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng thắc mắc hoặc có ý kiến về các vấn đề nêu trong bài viết và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

 

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885