NỘI DUNG VÀ PHẠM VI CỦA QUYỀN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

bởi Apra Law

NỘI DUNG CỦA QUYỀN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

Hành vi chống trả của người phòng vệ phải nhằm vào người đang có hành vi xâm phạm

Theo Điều 22 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi chống trả của người phòng vệ phải nhằm vào người đang có hành vi xâm phạm, vì có như vậy mới đạt được mục đích của phòng vệ chính đáng là ngăn chặn hành vi xâm phạm, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại mà hành vi này có thể gây ra. Sự chống trả này của người phòng vệ có thể trực tiếp nhằm vào người có hành vi xâm phạm (tính mạng, sức khoẻ) hoặc có thể chỉ nhằm vào công cụ, phương tiện phạm tội mà người đó đang sử dụng. Dù bằng cách nào thì sự chống trả đều có thể gây thiệt hại nhất định cho người có hành vi xâm phạm.

Thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm. Ví dụ: A đi ngang qua một con ngõ nhỏ thì thấy một người đàn ông đang đe dọa, hãm hiếp một cô gái trẻ. Thấy cạnh đó có cây gậy, A đã dùng gậy bổ vào đầu người đàn ông kia và làm cho tên này bị trọng thương. Hành vi của A được coi là hành vi phòng vệ trong trường hợp bảo vệ lợi ích chính đáng của người khác (cô gái trẻ) đang bị xâm phạm.

Trường hợp người phòng vệ không gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm mà lại gây thiệt hại khác thì tùy từng trường hợp cụ thể xem xét có hay không được coi là hành vi phòng vệ. Ví dụ: ông A bị ông B dùng dao đuổi đánh, để ngăn chặn việc B đuổi đánh mình nên A đã dùng bật lửa đốt nhà của B. Hành vi của A không được coi là hành vi phòng vệ, vì A không gây thiệt hại đến tính mạng hay sức khoẻ đối với B mà gây thiệt hại về tài sản của B. 

Hành vi phòng vệ không được phép gây thiệt hại cho người thứ ba

Hành vi phòng vệ không được phép gây thiệt hại cho người thứ ba. Bởi một trong các mục đích của phòng vệ chính đáng là ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi đang gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp, cho nên người phòng vệ phải ngăn chặn chính nguồn nguy hiểm, chính người đang có hành vi xâm hại. Nếu gây hại cho người khác thì không đạt được mục đích này.

Người phòng vệ không gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm phạm mà gây thiệt hại cho người khác (thường là người thân của người có hành vi xâm phạm), thì không được coi là hành vi phòng vệ. Ví dụ: ông A bị ông B đánh, nhưng ông A không đánh trả lại ông B mà lại đánh H (con của B) bị thương tích nặng. Hành vi của ông A không được coi là hành vi phòng vệ.

PHẠM VI CỦA QUYỀN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

Theo Điều 22 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hành vệ chính đáng phải là hành vi phòng vệ “cần thiết”. Điều này có nghĩa biện pháp chống trả của người phòng vệ đặt trong hoàn cảnh cụ thể phải là biện pháp cần thiết để có thể ngăn chặn được hành vi xâm phạm, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại mà hành vi này có thể gây ra. Giới hạn cần thiết không có nghĩa là hậu quả mà người phòng vệ đã gây ra phải bằng hay tương đương với thiệt hại mà người có hành vi tấn công trái pháp luật định gây ra. Trong lý luận và thực tiễn áp dụng, hậu quả mà người phòng vệ gây ra có thể lớn hơn nhiều lần hậu quả mà người có hành vi xâm hại định gây ra vẫn được coi là phòng vệ chính đáng nếu đánh giá hành vi phòng vệ là cần thiết đủ mạnh để ngăn chặn sự tấn công của người có hành vi xâm hại.

Để xác định sự chống trả có cần thiết hay không, trước hết phải căn cứ vào tính chất của các lợi ích bị xâm phạm; tính chất của hành vi xâm phạm và các mối tương quan khác giữa hành vi xâm phạm với hành vi phòng vệ.

Lợi ích bị xâm phạm càng quan trọng bao nhiêu, thì hành vi chống trả càng phải mạnh mẽ bấy nhiêu; Ví dụ: Một cảnh vệ nổ súng bắn chết một người đã đột nhập vào khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt theo một chế độ đặc biệt, thì hành vi của người bảo vệ được coi là cần thiết và là phòng vệ chính đáng. Nhưng cũng hành vi bắn chết người này lại trong trường hợp một học sinh vào trường hái trộm một ít nhãn và bị bảo vệ bắn chết thì lại không được coi là cần thiết và người bảo vệ đó không được coi là phòng vệ chính đáng. Vì vậy khi xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không phải đặt nó trong hoàn cảnh cụ thể trong mối quan hệ giữa lợi ích được bảo vệ và hành vi chống trả.

Tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm càng nguy hiểm và nghiêm trọng bao nhiêu thì hành vi chống trả càng phải quyết liệt bấy nhiêu. Ví dụ: một tên cướp dùng súng uy hiếp mọi người trên xe khách để đồng bọn của tên cướp lục soát lấy tài sản, đã bị một cảnh sát hình sự bắn chết. Hành vi của chiến sĩ cảnh sát này được coi là hành vi phòng vệ chính đáng. Nhưng nếu người cảnh sát mới thấy tên cướp giơ dao đe doạ mọi người phải đưa tiền cho y mà đã vội bắn chết ngay tên cướp thì chưa được coi là phòng vệ chính đáng, nhưng nếu tên cướp đã bắt một người làm con tin, rồi dùng dao dí vào cổ người này và doạ nếu không để cho y chạy thoát thì y sẽ đâm chết con tin, mà người cảnh sát bắn chết tên cướp thì lại được coi là cần thiết.

Khi đánh giá một hành vi chống trả có cần thiết hay không còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: mối tương quan lực lượng giữa bên xâm phạm và bên phòng vệ, thời gian, không gian xảy ra sự việc.

Cơ sở để đánh giá hành vi phòng vệ trong giới hạn cần thiết hay vượt quá giới hạn cần thiết phải đánh giá tổng hợp qua nhiều căn cứ, cơ sở khác nhau, mà trước hết cần xem xét đến tính chất tầm quan trọng của quan hệ xã hội bị gây thiệt hại, tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi tấn công xâm hại (đánh giá thông qua loại công cụ, phương tiện, biện pháp tấn công…), hậu quả nguy hiểm mà hành vi tấn công có khả năng gây ra…Về phía người phòng vệ; người phòng vệ đã sử dụng công cụ phương tiện, cách thức phòng vệ như thế nào; tương quan lực lượng giữa bên phòng vệ và những người có hành vi tấn công trái pháp luật.v..v….

Khi xác định phòng vệ chính đáng, không được phép so sánh đơn thuần giữa thiệt hại đã gây ra cho người có hành vi xâm phạm và thiệt hại mà người có hành vi này đe dọa gây ra. Phòng vệ chính đáng không phải là biện pháp trả thù mà là biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội. Mục đích này chỉ có thể đạt được trong nhiều trường hợp bằng cách phải gây ra thiệt hại lớn hơn cho người có hành vi xâm phạm. Việc đặt vấn đề so sánh hai thiệt hại trong nhiều trường hợp cũng không thực tế, vì có thể tính chất của hai loại thiệt hại – thiệt hại bị đe dọa gây ra và thiệt hại mà người phòng vệ gây ra hoàn toàn khác nhau như trong trường hợp phòng vệ đối với hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên, thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm là một yếu tố thể hiện tính chất và mức độ của hành vi chống trả cho nên chỉ được phép ở mức độ nhất định để có thể đảm bảo tính cần thiết của sự chổng trả.

Như vậy, việc đánh giá “giới hạn cần thiết” trong phòng vệ chính đáng chỉ là tương đối. Do đó, nếu gây thiệt hại rõ ràng vượt quá giới hạn cần thiết thì người phòng vệ vượt quá phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được giảm nhẹ tình tiết. Những trường hợp người có hành vi phòng vệ vượt quá không rõ ràng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline : 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885