Nhượng quyền thương mại là khái niệm không còn mới lạ đối với chúng ta, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân tại các đô thị Việt Nam nói riêng đều đã gắn bó quen thuộc với loại hình hoạt động nhượng quyền thương mại này. Có không ít các thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng trên thế giới phát triển thành công từ đầu những năm 90, cho đến tận ngày nay đã phủ kín các cửa hàng trên toàn thế giới.
Vào một ngày đẹp trời không muốn nấu những bữa cơm hàng ngày, chúng ta đến quán ăn Mc Donald’s, quán gà rán KFC hoặc quán ăn nhanh Lotteria…và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại đây ở ngay tại quán bất kỳ mà bạn gặp trên đường và không phải kiếm tìm địa chỉ xa xôi với hương vị, chất lượng dịch vụ tương tự nhau. Điểm mạnh của nhượng quyền chính là việc mở rộng, đồng bộ hóa chất lượng sản phẩm, dịch vụ để cung cấp cho đa số khách hàng thông qua việc tăng quy mô, tần suất của cửa hàng từ đó tăng doanh thu lợi nhuận gấp bội từ những chuỗi cửa hàng mà không phải chịu nhiều rủi ro về tài chính cho các chi phí tìm hiểu thị trường, chi phí xây dựng kết nối với dân bản địa, xây dựng cơ sở vật chất hay xây dựng quản lý, đội ngũ nhân sự…
Không chỉ là điểm mạnh cho những thương hiệu nhượng quyền mà còn tạo dựng được rất nhiều lợi ích của phía nhận nhượng quyền. Việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu đã thành công, đã có chỗ đứng trên thị trường sẽ giúp giảm bớt chi phí xây dựng thương hiệu ban đầu, các chi phí dịch vụ marketing, PR thương hiệu, chi phí R&D sản phẩm…Kết hợp những yếu tố thuận lợi đó, làn sóng nhượng quyền thương mại đã phát triển và thành công vang dội từ khi Việt Nam mở cửa, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO)… giúp mở ra con đường cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới du nhập vào Việt Nam.
Có nhiều cách chia các loại hình nhượng quyền trên thế giới như: Nhượng quyền sơ cấp; nhượng quyền thứ cấp; nhượng quyền độc quyền…Ở Việt Nam, có thể nhóm thành 3 loại hình nhượng quyền chính là: Nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam; Nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài và Nhượng quyền giữa các thương hiệu trong nước.
Đối với nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt nam, do lĩnh vực nhượng quyền thương mại ở nước ngoài đã hình thành từ những năm 80, 90. Các doanh nghiệp lớn với quy mô toàn cầu đã có kinh nghiệm dày dặn từ việc hình thành và phát triển loại hình kinh doanh này, các quy định pháp luật của các nước sở tại cũng có bề dày lịch sử trong việc xây dựng, phát triển nguồn luật để điều chỉnh các quan hệ pháp luật tham gia vào mô hình kinh doanh. Vì thế mà các thương hiệu tên tuổi gây dựng thành công tại thị trường Việt Nam là điều không khó hiểu.
Đối với hình thức này, theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp cần phải đăng ký việc nhượng quyền kinh doanh với Bộ Công thương tại Việt Nam.
Đối với hình thức nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài là việc làm khó, đòi hỏi nội lực của doanh nghiệp, cũng như năng lực thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp Việt. Đồng thời việc nắm bắt pháp luật của nước thực hiện việc nhượng quyền để quản lý và điều hành công việc kinh doanh đó rất cần thời gian và công sức để nghiên cứu, lập kế hoạch chiến lược thực hiện.
Hình thức nhượng quyền giữa các doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước gần đây phát triển mạnh mẽ trong xu hướng phát triển đúng với làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam. Cũng bởi những ưu việt của mô hình kinh doanh này, mà hiện nay tại Việt Nam, lĩnh vực nhượng quyền không chỉ là sân chơi của những doanh nghiệp nước ngoài quy mô toàn thế giới mà doanh nghiệp trong nước với quy mô nhỏ và vừa vẫn là loại hình được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhằm khuếch trương, mở rộng nhanh chóng thương hiệu, chia sẻ rủi ro cũng như lợi nhuận với các đối tác khác.
Rất nhiều thương hiệu mới ra đời cùng sự mở rộng nhanh chóng, khiến cho mô hình kinh doanh nhượng quyền phát triển những bước đi mới. Nhượng quyền thương mại giữa các doanh nghiệp Việt thực hiện tại Việt Nam sẽ có thể quản lý, kiểm soát bên nhận nhượng quyền tốt hơn; do đặc điểm cùng lãnh thổ, ngôn ngữ nên các bên có thể thực hiện việc chuyển giao công thức bí mật của sản phẩm dễ dàng hơn, cũng như nắm bắt thấu hiểu hai bên và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với hai hình thức nhượng quyền này, các bên nhượng quyền sẽ không phải đăng ký nhượng quyền kinh doanh với Bộ Công thương Việt Nam mà phải thực hiện chế độ báo cáo cho Sở Công thương.
Các lĩnh vực kinh doanh đa dạng và phong phú hơn, ngoài lĩnh vực chiếm đa số là ẩm thực, ăn uống, còn các lĩnh vực khác như: giáo dục đào tạo, sức khỏe làm đẹp, bán lẻ, thời trang…điển hình có thể kể đến: Highland coffee; Sữa chua trân châu Hạ Long; King BBQ, Thai express, Phở gà ta Kao; I can read; Curves; Minishop; Biluxury; Áo dài Linh Bùi….
Tuy nhiên những câu chuyện thành công đó chưa thể nói hết đến những khó khăn mà những doanh nghiệp gặp phải khi tham gia vận dụng những ưu điểm của phương thức kinh doanh đầy hứng khởi này. Nhiều trong số các doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng phương thức này và không thành công trong quá khứ điển hình như: Trung Nguyên coffee; Phở 24….đây là hai trong số thương hiệu đã khởi động mạnh mẽ và bùng nổ vào thời kỳ đầu khi phát triển theo mô hình nhượng quyền thương mại, tuy nhiên đã không giữ vững được sự ổn định chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng quy mô thương hiệu đi đôi với quản lý, kiểm soát hoạt động vận hành của bên nhận nhượng quyền.
Có thể thấy đi kèm với lợi nhuận, luôn tiềm ẩn rủi ro và ngược lại, vậy để giảm thiểu rủi ro và quản lý công việc kinh doanh nhượng quyền hợp lý, ngoài các bài toán về dòng tiền, xây dựng thương hiệu mạnh, quản trị việc sử dụng nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm, đồng thời tiêu chuẩn hóa quy trình công việc, đào tạo nhân sự…không thể không lưu tâm đến việc kiểm soát công việc kinh doanh của phía nhận nhượng quyền. Để có thể thực thi được tốt các yếu tố trên, việc nắm bắt hiểu rõ và vận dụng các quy định của pháp luật giúp người điều hành dự phòng rủi ro, xây dựng chiến lược và kế hoạch bài bản, thận trọng ngay từ ban đầu là việc vô cùng cần thiết.
Ngay khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đặt chân vào thị trường trên 80-100 triệu dân, chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động của mô hình kinh doanh phi truyền thống này có thể kể đến như: Nghị định 45/1998/NĐ-CP; Thông tư 1254/1999/TT-BKHCNMT; Luật Thương mại 2005; Luật sở hữu trí tuệ 2005; Nghị định 11/2005/NĐ-CP; Nghị định 35/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành; Thông tư 09/2006/TT-BTM; Nghị định 120/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung nghị định 35/2006/NĐ-CP….
Tại Luật thương mại 2005 quy định về hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định cụ thể như sau: “Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện:
- Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.
Và “Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.
Một trong những việc quan trọng tiên quyết trước khi tiến hành nhượng quyền là việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp: bảo hộ nhãn hiệu, tên miền, tên thương mại…Nếu nhãn hiệu không được bảo hộ thì vô hình chung “tài sản” mà bên nhượng quyền đóng góp sẽ không bảo đảm quyền khai thác, sử dụng thương hiệu; nguy cơ bị sao chép, vô hiệu hóa thương hiệu, tên thương mại là vấn đề có thể biết trước.
Vấn đề thứ hai, để có thể kiểm soát công việc kinh doanh của phía nhượng quyền thì việc chi tiết hóa các điều khoản khi giao kết hợp đồng nhượng quyền là việc vô cùng cần thiết. Hiện tại trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt nam chưa cụ thể hóa quy định về nội dung hợp đồng nhượng quyền; hình thức và mức phạt khi hai bên có vi phạm hợp đồng…do bản chất là giao dịch dân sự giữa các chủ thể, nên Nhà nước ưu tiên tối đa cho sự thỏa thuận của các bên.
Vấn đề thứ ba là quyền kiểm soát và trợ giúp bên nhận nhượng quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh, đây là việc làm phức tạp, đòi hỏi có sự chuẩn bị của cả hai bên khi thực hiện hợp đồng vì nếu mất việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ của một cửa hàng có thể ảnh hưởng uy tín đến thương hiệu kéo đến sự sụp đổ của chuỗi cửa hàng.
Vì vậy, đưa ra các quy định chặt chẽ về nội dung, quyền – nghĩa vụ, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; dự phòng rủi ro trong hợp đồng là điều kiện cần thiết giúp các bên thành công bước đầu trong việc thỏa thuận.
Tóm lại để gây dựng và khởi động những bước đi đầu tiên của công việc kinh doanh thông qua nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp nên tìm những đơn vị Luật có uy tín về doanh nghiệp để nhận sự hỗ trợ tốt nhất, đảm bảo những bước đi vững chãi trên con đường phát triển của mình.
Trên đây là bài viết về “Nhượng quyền thương mại – Câu chuyện kinh doanh tại Việt Nam” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng thắc mắc hoặc có ý kiến về các vấn đề nêu trong bài viết và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
_________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline : 024.23486234 – 0948495885
1 bình luận
Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good.