BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM ĐẦU TƯ THEO LUẬT ĐẦU TƯ NĂM 2020

bởi Apra Law

Một trong các chủ trương lớn của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay chính là tận dụng và phát huy tối đa nguồn vốn đầu tư của các chủ thể trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư kinh doanh. Chủ trương này xuất phát từ đòi hỏi gắt gao của quá trình toàn cầu hóa, cũng như mục đích phát triển kinh tế xã hội. Chính vì lẽ đó mà bên cạnh các biện pháp khuyến khích đầu tư nhà nước ta đã và đang xây dựng, hoàn thiện các biện pháp đảm bảo đầu tư rộng mở, với chủ trương đơn giản, minh bạch trong quy định và áp dụng, công bằng giữa các nhà đầu tư và hiệu quả, giảm thiểu chi phí, góp phần tạo nên một môi trường đầu tư bình ổn, tạo nên sự khuyến khích cũng như an toàn cho các nhà đầu tư. Theo đó, Luật Đầu tư năm 2020 quy định các biện pháp bảo đảm đầu tư, bao gồm: 

Thứ nhất, Nhà nước cam kết bảo đảm quyền sở hữu tài sản:

Pháp luật Việt Nam có cam kết rằng tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Đây là cam kết đặc biệt quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài bởi lẽ, nó tạo nên sự an tâm cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam bảo đảm cho việc tài sản của họ được bảo vệ tuyệt đối. 

Biện pháp bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp được quy định cụ thể tại điều 10 Luật Đầu tư 2020, thể hiện sự khuyến khích đầu tư, kinh doanh đối với những nhà đầu tư trong và ngoài nước để họ có thể mạnh dạn bỏ vốn để thực hiện các dự án nhằm phát triển kinh tế xã hội. Và đương nhiên, với nguyên tắc này thì quyền sở hữu đối với tài sản đã bỏ ra hoặc tạo lập được trong quá trình kinh doanh sẽ được bảo đảm tối đa, không bị đe dọa hoặc xâm phạm bất hợp pháp. 

Trong trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Từ đó thể hiện những nguyên tắc của Nhà nước Việt Nam vẫn tuân thủ đúng theo những cam kết với các công ước quốc tế và bảo hộ đầu tư.

Đây chính là sự cụ thể hóa Điều 32 Hiến pháp 2013 theo đó Nhà nước không được sự dùng quyền năng cưỡng chế đặc biệt của mình để xâm phạm tới tài sản hợp pháp của nhà đầu tư. Quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư được bảo hộ. Trong trường hợp trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư vì những lý do đặc biệt, chính đáng (Quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia…). Nhà nước sẽ có sự thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Biện pháp bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp cho nhà đầu tư có hiệu lực kể từ khi các nhà đầu tư dự án mà không cần thông qua bất kỳ thủ tục hành chính nào. 

Thứ hai, Nhà nước cam kết bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh:

Một trong những lý do để nhà đầu tư cân nhắc việc lựa chọn đầu tư vào một quốc gia phụ thuộc vào những việc hoạt động đầu tư của nhà đầu tư có được bảo đảm để diễn ra thuận lợi hay không. Nhà nước không thể bảo đảm rằng nhà đầu tư sẽ đạt được lợi nhuận mong muốn vì kết quả đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng Nhà nước có thể cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh tự do và bình đẳng để làm chất xúc tác mạnh nhất cho hoạt động đầu tư được hiệu quả. Để tạo ra môi trường đầu tư thực sự tự do, Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu được quy định tại điều 11 Luật Đầu tư năm 2020. 

Bên cạnh đó, nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Theo pháp luật đầu tư hiện hành, các chủ thể được đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm thay vì trước đây là đầu tư, kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật cho phép. Đối với hoạt động đầu tư, các ngành nghề kinh doanh mà pháp luật cấm được quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020. Tất nhiên, khi tiến hành các hoạt động đầu tư mà pháp luật không cấm thì nhà đầu tư vẫn phải thực hiện các thủ tục cần thiết cũng như cần có các điều kiện nhất định theo quy định, đặc biệt là đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Thứ ba, Nhà nước bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài

Pháp luật hiện hành đã giữ nguyên tinh thần của các văn bản pháp luật đầu tư cũ, tiếp tục công nhận quyền chuyển tài sản ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Nhà nước cho phép nhà đầu tư được chuyển ra nước ngoài các loại tài sản: vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư, thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh, tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư. 

Tuy nhiên việc chuyển lợi nhuận này chỉ được tiến hành sau khi nhà đầu tư đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính. Việc chuyển ra nước ngoài các khoản trên được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi theo tỷ giá giao dịch tại ngân hàng thương mại do nhà đầu tư lựa chọn. Hiện nay, việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được điều chỉnh bởi Thông tư 186/2010/TT-BTC. Thông tư này quy định cụ thể những khoản lợi nhuận không được phép chuyển ra nước ngoài để tránh các nhà đầu tư lợi dụng những những hình thức như chuyển giá, phí dịch vụ, tiền bản quyền để thực hiện các hành vi trốn tránh nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Thứ tư, Nhà nước bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. 

Chính sách pháp luật của một quốc gia không phải là hiện tượng bất biến. Căn cứ vào sự chuyển biến của các quan hệ kinh tế xã hội, nhà nước sẽ sửa đổi hoặc thay thế các chính sách pháp luật cũ để phù hợp với yêu cầu mới của thực tiễn. Sự thay đổi của pháp luật tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư, trong nhiều trường hợp làm mất đi sự ổn định, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhà nước cam kết bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Cụ thể: 

Một là, Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.

Hai là, Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.

Trong trường hợp thay đổi pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của công đồng, bảo vệ môi trường thì nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi trước đó. Lúc này, Nhà nước đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư bằng một hoặc một sổ biện pháp sau: Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế; điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.

Thứ năm, Nhà nước bảo đảm cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Sự bảo đảm của Nhà nước đối với các hoạt động đầu tư không bao gồm sự đảm bảo về việc sẽ không có tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Nguyên tắc của giải quyết tranh chấp trước hết là tôn trọng ý chí tự giải quyết của các bên. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với tính chất của tranh chấp và yêu cầu của các bên. 

Nhà nước chỉ tham gia giải quyết tranh chấp khi hai bên đã bế tắc và có yêu cầu đến các cơ quan tài phán. Xét dưới góc độ quản lý kinh tế, Việt Nam đã xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, tôn trọng quyền tự định đoạt của các nhà đầu tư và phù hợp với thông lệ quốc tế, đề cao quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và đủ độ tin cậy cũng như độ an toàn về mặt thực thi các quyết định trong giải quyết tranh chấp về đầu tư. Cụ thể: 

Một là, tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.

Hai là, tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam.

Ba là, tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức: Tòa án Việt Nam, trọng tài Việt Nam, trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế, trọng tài do bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.

Bốn là, tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Như vậy, nhìn nhận các biện pháp bảo đảm đầu tư trong tương quan so sánh với môi trường đầu tư có thể nhận thấy rằng, hệ thống các biện pháp bảo đảm đầu tư chính là một trong những yếu tố giúp Nhà nước có một môi trường đầu tư tốt, tăng sức hút các nguồn vốn của môi trường đầu tư.

Trên đây là bài viết tư vấn về “Biện pháp bảo đảm đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

1 bình luận

binance registration 16/04/2025 - 2:31 chiều

Your point of view caught my eye and was very interesting. Thanks. I have a question for you.

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885