HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

bởi Apra Law

Hợp đồng chuyển giao công nghệ là gì?

Hợp đồng chuyển giao công nghệ là hợp đồng ghi nhận sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân chuyển giao cho nhau các đối tượng sở hữu công nghiệp như bí quyết, kiến thức kỹ thuật về công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, phần mềm máy tính, tài liệu thiết kế, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật… Việc chuyển giao công nghệ có thể được thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự hoặc thông qua việc góp vốn bằng giá trị công nghệ trong các dự án đầu tư.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ được quy định cụ thể tại Chương III Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017. 

Hình thức của Hợp đồng chuyển giao công nghệ

Trừ trường hợp chuyển giao công nghệ với hình thức chuyển giao công nghệ độc lập hoặc góp vốn bằng công nghệ phải được lập thành hợp đồng; việc chuyển giao công nghệ khác được thể hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư. 

Theo Điều 22 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng.

Nội dung của Hợp đồng chuyển giao công nghệ

– Tên công nghệ được chuyển giao. 

– Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. 

– Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ. 

– Phương thức chuyển giao công nghệ. 

– Quyền và nghĩa vụ của các bên. 

– Giá, phương thức thanh toán. 

– Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. 

– Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có). 

– Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ. 

– Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao. 

– Phạt vi phạm hợp đồng. 

– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. 

– Cơ quan giải quyết tranh chấp. 

– Nội dung khác do các bên thỏa thuận.

Thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng chuyển giao công nghệ

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm giao kết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác: 

Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ. 

Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp đăng ký có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; trường hợp gia hạn, sửa đổi, bổ sung thì hợp đồng gia hạn, sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung chuyển giao công nghệ. 

Trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ: 

– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; 

– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; 

– Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline : 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885