CÁC HÌNH THỨC HUY ĐỘNG VỐN VAY TƯƠNG ỨNG VỚI CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP

bởi Apra Law

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay nhu cầu tăng vốn, mở rộng thị trường là một trong những nhu cầu cấp thiết để tăng khả năng hội nhập và cạnh tranh của doanh nghiệp. Tùy theo lại hình doanh nghiệp và các đặc điểm cụ thể, mỗi doanh nghiệp có thể có các phương thức tạo vốn và huy động vốn khác nhau như vốn góp ban đầu; lợi nhuận không chia; vốn từ phát hành cổ phiếu… Trong đó, một phương thức huy động vốn được các loại hình doanh nghiệp sử dụng phổ biến nhất là huy động vốn vay. 

Thứ nhất, huy động vốn vay từ các cá nhân, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác

Hoạt động huy động vốn vay của doanh nghiệp từ tổ chức tín dụng; thỏa thuận cá nhân, tổ chức khác; vay từ chính người lao động trong công ty có thể hiểu là hoạt động làm tăng số vốn là tiền hoặc tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp thông qua các hình thức cung cấp các khoản cho vay. Cụ thể, hình thức cho vay thông qua hợp đồng tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp tăng trực tiếp số vốn lưu động của doanh nghiệp, số vốn này là đòn bẩy tài chính để giúp cho doanh nghiệp hoạt động được hiệu quả hơn hoặc giảm bớt được gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Hoạt động vay vốn của doanh nghiệp từ các cá nhân tổ chức, tổ chức tín dụng hay các tổ chức khác sẽ có sự ưu việt khi so sánh với các hình thức khác và những sự chênh lệch này sẽ có những sự khác nhau nhất định khi áp dụng vào quy mô của mỗi doanh nghiệp. Cụ thể, chủ doanh nghiệp được phép nắm toàn quyền kiểm soát khoản tài sản đã vay. Lãi suất mà doanh nghiệp phải trả trên khoản vay được xem là chí phí hợp lệ để khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, phần nào sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt được chi phí lãi vay. Tuy nhiên, lãi suất khi huy động vốn vay trong trường hợp này thường sẽ cao hơn khi so sánh với các hình thức huy động vốn khác. 

Bên cạnh đó, hoạt động vay vốn của doanh nghiệp từ các cá nhân tổ chức, tổ chức tín dụng hay các tổ chức khác thường bị động trong quá trình vay vì phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn nhất định của bên cho vay. Các diều kiện vay vốn mà bên cho vay yêu cầu như là doanh nghiệp phải đáp ứng khả năng tài chính để trả nợ thông qua việc phân tích các chỉ chố tài chính, phải có mục đích sử dụng vốn vay hợp lý, có tài sản bản đảm cho khoản vay và nhiều biện pháp bảm dảm khác tùy vào chính sách của bên cho vay và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Thêm vào đó trong nhiều trường hợp doanh nghiệp có thể đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan chứng minh đủ điều kiện vay vốn nhưng cuối cùng mức vay và thời hạn vay của doanh nghiệp đều phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của phía cho vay. 

Thứ hai, huy động vốn vay bằng phát hành trái phiếu

Việc huy động vốn vay thông qua hình thức phát hành trái phiếu có thể được hiểu là hình thức doanh nghiệp làm tăng số vốn của mình thông qua việc phát hành trái phiếu-phương tiên có thể coi giống một khoản nợ của doanh nghiệp phát hành với bên mua trái phiếu nhằm mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp, những nguyên tắc này được quy định rõ tại Điều 5 Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Chủ thể phát hành trái phiếu là những tổ chức có nhu cầu huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu và bán cho các nhà đầu có nguồn vốn nhàn rỗi và có nhu cầu đầu tư để thu lợi nhuận trong tương lai. Sở dĩ công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân không được phép phát hành trái phiếu xuất phát từ đặc điểm đặc trưng của hai loại hình doanh nghiệp này là doanh nghiệp đối nhân. Cụ thể, các thành viên hợp danh hay chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty. Những đặc điểm này đi ngược lại hoàn toàn với những mục đích của việc phát hành trái phiếu như cơ cấu lại vốn nợ nên việc chỉ cho phép công cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn phát hành trái phiếu là hoàn toàn hợp lý.

Thứ ba, huy động vốn vay bằng tín dụng thương mại

Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp, quan hệ giữa doanh nghiệp với cá nhân hay quan hệ giữa doanh nghiệp với các tổ chức khác được thực hiện dưới hình thức mua bán chịu, mua bán trả chậm hay trả góp hàng hóa. Đến thời hạn đã thỏa thuận doanh nghiệp mua phải hoàn trả cả vốn gốc và lãi cho doanh nghiệp bán dưới hình thức tiền tệ. Từ định nghĩa của tín dụng thương mại có thể xác định được rằng việc gián tiếp huy động vốn vay thông qua tín dụng thương mại được coi là một hình thức gia tăng các khoản nợ ngắn hạn hay vốn vay nhằm phục vụ cho sản xuất, thúc đẩy lưu thông tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện mở rộng quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp có thể coi là hành vi chiếm dụng vốn gián tiếp. 

Do đó, toàn bộ các loại hình doanh nghiệp từ doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần đều có thể tham gia vào các quan hệ này. Trên thực tế, khi các doanh nghiệp từ khi hình thành đến lúc kết thúc thì quan hệ này là mối quan hệ diễn ra phổ biến và thông dụng nhất do mối quan hệ này được tạo dựng từ việc trao đổi hàng hóa, buốn bán kinh doanh của doanh nghiệp. 

Thứ tư, huy động vốn thông qua hoạt động cho thuê tài chính (financial leasing) 

Hoạt động cho thuê tài chính là một bộ phận của thị trường vốn, trong đó người cung ứng vốn đóng vai trò là bên cho thuê cam kết bán tài sản thiết bị theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê. Bên huy động vốn sử dụng tài sản thuê và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Thời hạn này phải chiếm phần lớn thời gian hữu dụng của tài sản, tổng số tiền người thuê phải trả cho người cho thuê phải bằng hoặc lớn hơn giá trị thị trường của tài sản cho thuê vào thời điểm ký hợp đồng. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê có quyền chọn mua tài sản thuê với giá thấp hơn giá trị tài sản thuê tại thời điểm mua lại. 

Hoạt động thuê mua tài chính mang lại nhiều lợi ích cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thiếu vốn có thể lựa chọn giải pháp thuê tài chính, thay vì mua bằng tiền hoặc mua trả góp máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận tải. Do vậy toàn bộ các loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân đều có thể thực hiện hoạt động này khi có nhu cầu.

Trên đây là bài viết tư vấn về “Các hình thức huy động vốn vay tương ứng với các loại hình doanh nghiệp” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

 

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885