THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

bởi Apra Law

Vụ án hành chính được hiểu là vụ án phát sinh khi cá nhân, tổ chức khởi kiện để yêu cầu Toà án xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước và được Toà án thụ lý theo quy định của pháp luật. Vậy, Toà nào có thẩm quyền để thụ lý các vụ án hành chính với những khiếu kiện theo các lĩnh vực khác nhau?

Thẩm quyền của Toà án cấp huyện

Điều 31 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp huyện như sau:

– Khiếu kiện quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ QĐHC, HVHC của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện.

– Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

–  Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Thẩm quyền của Toá án cấp tỉnh

Theo Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015, Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm những khiếu kiện sau:

– Khiếu kiện QĐHV, HVHC của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và QĐHC, HVHC của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

– Khiếu kiện QĐHC, HVHC của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước như trên và QĐHC, HVHC của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Đối với 2 trường hợp trên, nếu người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra QĐHC, HVHC.

– Khiếu kiện QĐHC, HVHC của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.

– Khiếu kiện QĐHC, HVHC của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

– Khiếu kiện QĐHC, HVHC của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

– Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

– Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

– Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 của Luật Tố tụng hành chính 2015.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể theo dõi tình huống sau:

Ông A nhận được một QĐHC từ UBND xã, nơi ông đang sinh sống và làm việc. Sau đó, ông đã khiếu nại quyết định này và nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện. Lúc này, ông A vẫn không đồng ý và ông muốn khởi kiện QĐHC của Chủ tịch UBND xã. Vậy xác định thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là của Toà án cấp huyện hay Toà án cấp tỉnh?

Theo Điều 193 Luật Tổ tụng hành chính 2015, Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan. Trong trường hợp này, Toà án phải xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính của UBND cấp xã và quyết định giải quyết khiếu nại Chủ tịch UBND cấp huyện. 

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 31 Luật này thì đối với QĐHC của Chủ tịch UBND xã, Toà án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết. 

Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp huyện trái pháp luật và phải hủy quyết định hành chính này mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Toà án nhân dân cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ án đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.

Trên đây là bài viết tư vấn về “Thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline : 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885