THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN ĐỐI VỚI TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI

bởi Apra Law

THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN LÀ GÌ?

Thẩm quyền của Tòa án đối với tranh chấp kinh doanh thương mại là việc xác định một Tòa án có thẩm quyền xét xử một vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại hay không. Việc xác định tranh chấp thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nào được thực hiện thông qua ba bước: Xác định thông qua nội dung loại việc, xác định thẩm quyền theo cấp và xác định thẩm quyền theo lãnh thổ. 

Vấn đề xác định thẩm quyền của Tòa án là một nội dung quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên đương sự và sự hiệu quả trong quá trình xem xét và giải quyết tranh chấp.

XÁC ĐỊNH THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI

Xác định thẩm quyền của Tòa án theo loại việc

Theo điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các tranh chấp xảy ra liên quan đến lĩnh vực hoạt động kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, bao gồm: 

– Các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại giữa các cá nhân tổ chức với nhau, đây là các quan hệ song phương hoặc đa phương trong các giao dịch hoặc hợp đồng thương mại, nhằm hướng đến mục đích lợi nhuận. Đối tượng của trường hợp tranh chấp này là tài sản hoặc các nghĩa vụ trong hợp đồng. Đây cũng là loại tranh chấp diễn ra phổ biến nhất trong hoạt động kinh doanh thương mại;

– Các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân. Tương tự như trường hợp trên, các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cũng xuất phát từ mục đích lợi nhuận, tuy nhiên đối tượng của loại tranh chấp này là các tài sản vô hình;

– Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty;

– Tranh chấp giữa các thành viên trong công ty. Khác với các loại tranh chấp ở trên, loại tranh chấp này không phát sinh từ quan hệ hợp đồng hoặc các giao dịch. Đối tượng của loại tranh chấp này thường là quyền và lợi ích của các thành viên trong hoạt động của công ty, khi các lợi ích này có sự xung đột thì rất dễ xảy ra tranh chấp;

– Các tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại khác. 

Có thể thấy các tranh chấp này phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại của các chủ thể từ khâu quản lý tổ chức đến khâu giao dịch, thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng và nhìn chung là đều có mục đích lợi nhuận. Khi các tranh chấp này nảy sinh, trong trường hợp các bên không tự giải quyết được bằng các biện pháp thương lượng, hòa giải thì một bên có quyền khởi kiện bên còn lại để được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Lúc này Tòa án được xác định là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Ví dụ: A và B ký kết một hợp đồng mua bán tài sản là biệt thự đặt tại thành phố Đã Nẵng, trong đó A là bên mua có nơi cư trú tại thành phố Hà Nội; B, bên bán, là công ty kinh doanh bất động sản có trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi giao kết hợp đồng, A phát hiện tài sản được chuyển giao không đúng chất lượng B đã cam kết trong hợp đồng. A khởi kiện B để được yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp này Tòa án có thẩm quyền xem xét và giải quyết tranh chấp. Được biết trong hợp đồng hai bên có thỏa thuận, mọi tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết tại Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Xác định thẩm quyền của Tòa án theo cấp

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại là Tòa án Nhân dân cấp huyện và Tòa án Nhân dân cấp tỉnh. Theo quy định tại điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, việc phân chia thẩm quyền giữa hai cấp tòa án này được phân chia như sau:

– Tòa án Nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại theo thủ tục sơ thẩm đối với các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

– Tòa án Nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại theo thủ tục sơ thẩm đối với các loại tranh chấp còn lại bao gồm: Các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, các giao dịch liên quan đến phần vốn góp tại các công ty, tranh chấp giữa các thành viên công ty và các tranh chấp khác.

Ví dụ: cũng trong tình huống nêu ở mục 1, đây là một tranh chấp kinh doanh thương mại trong một hợp đồng mua bán tài sản, nên có thể xác định cấp tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm là Tòa án Nhân dân cấp huyện.

Xác định thẩm quyền xét xử của tòa án theo lãnh thổ

Theo quy định tại điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

– Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận gì khác, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh, thương mại;

– Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về kinh doanh, thương mại;

– Trường hợp đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Như vậy, việc xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ được xác định theo thứ tự sau: Đối tượng của tranh chấp; thỏa thuận của các bên đương sự; Tòa án tại nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bị đơn.

Ví dụ: Cũng với ví dụ trên, mặc dù hai bên đã có thỏa thuận xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án tại nơi cư trú của nguyên đơn, tuy nhiên theo quy định của pháp luật, do đối tượng của hợp đồng là bất động sản nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản tại thành phố Đà Nẵng.

BÌNH LUẬN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN ĐỐI VỚI TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI

Quy định để xác định thẩm quyền theo loại việc của Tòa án là tương đối chặt chẽ và có tính tổng quát. Đối với quy định về xác định thẩm quyền theo loại việc, khác với cách liệt kê các tranh chấp trong từng lĩnh vực kinh doanh trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, quy định hiện hành đã đưa ra một khái niệm tổng quát là những tranh chấp phát sinh trong mọi hoạt động kinh doanh thương mại giữa các bên với nhau và có mục đích lợi nhuận. Mục đích lợi nhuận chính là một đặc điểm cơ bản của hoạt động thương mại, xác định xem một quan hệ pháp luật có phải là quan hệ thương mại hay chỉ là một quan hệ dân sự khác. Tuy nhiên việc xác định một tranh chấp có phải là tranh chấp kinh doanh thương mại dựa trên yếu tố mục đích lợi nhuận cũng có thể tiềm tàng nguy cơ gây ra trở ngại, bởi “mục đích lợi nhuận” vẫn là một phạm trù mang tính định tính. Ngoài ra tại khoản 4 điều 30, các tranh chấp được đề cập đang được hiểu là các tranh chấp xảy ra ở các loại hình công ty, điều này đã loại trừ các tranh chấp có bản chất tương tự, nhưng lại xảy ra ở các tổ chức kinh tế khác không được gọi là công ty.

Quy định phân định thẩm quyền theo cấp tạo điều kiện để các Tòa án phát huy được hiệu quả giải quyết. Có thể thấy, các loại việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có tần suất xảy ra thấp hơn, nhưng thường lại có mức độ phức tạp hơn Tòa án xét xử phải có chuyên môn và sự chuyên trách cao hơn, cụ thể theo quy định của pháp luật, Tòa án Kinh tế cấp tỉnh sẽ ra cơ quan chuyên trách giải quyết các tranh chấp này. 

Các quy định xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án theo lãnh thổ được quy định trên tinh thần ưu tiên sự thỏa thuận của các bên và đảm bảo tính thuận tiện trong quá trình giải quyết tranh chấp. Việc để các bên thỏa thuận chọn Tòa án giải quyết theo nơi cư trú hoặc trụ sở của một trong hai bên giúp các bên có thể chủ động hơn trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp. Trường hợp đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ có thể giải quyết tại Tòa án nơi có bất động sản bởi bất động sản là một đối tượng đặc biệt, liên quan đến rất nhiều các loại giấy tờ và thủ tục phức tạp mà chỉ có các cơ quan chuyên trách ở địa phương nơi có bất động sản có thể quản lý hiệu quả nhất, quy định như vậy sẽ giúp quá trình xác minh, yêu cầu tống đạt các loại giấy tờ, chứng cứ diễn ra thuận tiện hơn.

Trên đây là bài viết tư vấn về “Thẩm quyền của Tòa án đối với tranh chấp kinh doanh thương mại” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885