Năm 2003, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất của 7 hộ dân để xây dựng chung cư tái định cư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 6 hộ dân tại ngõ 34 Hoàng Cầu có đất bị thu hồi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trịnh Thuý Huyền – Giám đốc Công ty Luật Apra đã phân tích vụ việc thông qua góc nhìn pháp lý (Bạn đọc có thể tìm đọc bài báo với tiêu đề “Đống Đa (Hà Nội): Đất đã thu hồi 5 năm, tiền bồi thường vẫn chưa đến tay” qua đường link: https://baophapluat.vn/doan-lam-phim-tu-y-to-ve-len-gieng-co-khong-don-thuan-la-hanh-vi-thieu-y-thuc-post421184.html). Ở bài viết này, Luật Apra sẽ tiếp tục phân tích, bình luận dưới góc độ pháp lý sâu sắc hơn liên quan đến vụ việc nêu trên.
06 hộ dân khiếu nại
Theo hồ sơ sự việc, ngày 03/12/2001, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 7231/QĐ-UB về việc chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân GPMB ao hoàng Cầu, quận Đống Đa, theo đó giao Công ty Hà Thủy (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư dự án. Ngày 23/5/2003 UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi 18.390m2 đất tại phường Ô Chợ Dừa tạm giao cho công ty Hà Thủy để tổ chức điều tra lập dự án GPMB chuẩn bị thực hiện dự án.
Theo Quyết định số 1428/QĐ-UB ngày 17/4/2006, Quyết định số 3643-UBND ngày 30/10/2016; Quyết định số 4131/QĐUB-UBND ngày 14/12/2006 và Quyết định số 2649/QĐUB ngày 29/6/2016 của UBND quận Đống Đa về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 7 hộ dân thuộc diện GPMB thực hiện dự án Xây dựng khu nhà ở di dân GPMB tại ao Hoàng Cầu với tổng số tiền 1.499.596.685 đồng.
Trong số 7 hộ dân, một hộ đồng ý với chủ trương, ngày 13/10/2016 UBND quận Đống Đa đã chi trả tiền đền bù cho 1 hộ gia đình. 6 hộ dân còn lại không đồng ý với các quyết định về phương án bồi thường hỗ trợ của UBND quận Đống Đa nên đã tiến hành khiếu nại với các quyết định của UBND quận Đống Đa. Tuy nhiên, UBND quận vẫn tiến hành thu hồi đất và cưỡng chế đối với phần diện tích thuộc diện bị thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng. Ngày 6/6/2018 Sở Tài chính Hà Nội phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án.
Theo UBND quận Đống Đa, số tiền còn lại hơn 1,3 tỷ đồng của 6 hộ dân do vẫn còn khiếu nại, khởi kiện nên UBND quận Đống Đa đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa nộp trả vốn đầu tư cho Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội.
Sau sáu năm khiếu nại vì chưa đồng ý với mức bồi thường mà không được giải quyết thỏa đáng, 6 hộ dân đã quá mệt mỏi nên năm 2020 bốn (04) hộ dân đã gửi đơn xin nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tuy nhiên sau 01 năm UBND quận Đống vẫn không trả tiền cho người dân và đến tận ngày 14/10/2021 mới ban hành văn bản số 2114/UBND-BQLDAĐTXD gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội đề nghị xem xét bố trí kế hoạch vốn năm 2021 để tri trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 4 hộ dân với số tiền 926.151.490 đồng. Còn 2 hộ dân không gửi đơn, Đống Đa vẫn để ngỏ. Và các hộ dân bị thu hồi đất tại Hoàng Cầu chưa biết đến ngày nào được nhận tiền?
Người dân mòn mỏi chờ đợi
Liên quan đến sự việc, Luật sư Trịnh Thúy Huyền Giám đốc Công ty Luật Apra cho rằng, đối với số tiền còn lại hơn 1,3 tỷ đồng của 6 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, UBND quận Đống Đa đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa nộp trả vốn đầu tư cho Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội là chưa đúng theo quy định của Khoản 3 Điều 93 Luật Đất đai 2013.
Tại khoản 3 điều 93 đã quy định rõ ràng: “Trong trường hợp Người dân có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước ”. Như vậy số tiền bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất là nguồn tiền sử dụng để chi trả đền bù giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đã được ghi nhận trong tổng mức đầu tư của Dự án, có mục đích sử dụng rõ ràng. Khi người dân chưa nhận thì phải gửi vào tài khoản tạm giữ, khi người dân đồng ý nhận tiền thì Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Đống Đa có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để chi trả cho người dân, chứ không phải hoàn trả, nộp Quỹ Đầu tư phát triển của thành phố. Vì vậy, UBND quận Đống Đa cần có trách nhiệm thực hiện các biện pháp tích cực để kịp thời trả tiền cho người dân.
Được biết, đã hơn một năm kể từ ngày các 4 hộ dân gửi Đơn đề nghị nhận tiền đền bù đến Ban Đền bù giải phóng mặt bằng. Đến nay, theo Văn bảo số 2114/UBND-BQLDAĐTXD, UBND quận Đống Đa vẫn đề nghị xem xét kế hoạch bố trí vốn. Do vậy, các hộ dân vẫn chưa biết đến bao giờ mới nhận tiền đền bù, đồng thời cũng không biết đến thời điểm nào Sở Kế hoạch, Sở Tài chính, Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố Hà Nội mới đề xuất vốn cho khoản tiền đền bù này.
Nếu đây được coi là trường hợp chậm chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng, thì theo Luật sư Huyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan trong việc chậm chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong trường hợp này được Khoản 2 Điều 93 Luật Đất đai 2013 quy định rất rõ. Chính vì thế, trách nhiệm thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả hay không? Ban Đền bù giải phóng mặt bằng quận Đống Đa cần trả lời rõ ràng các vấn đề nêu trên để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho công dân./.
_________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 0948495885