ĐIỀU KIỆN GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ: NHỮNG VƯỚNG MẮC TRÊN THỰC TIỄN

bởi Apra Law

Hiện nay, việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ (“TTNN”) ngoài việc tuân thủ các quy định chung của Luật Giáo dục còn phải chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Thông tư 21/2018/TT-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 24/8/2018 (“Thông tư 21”). Nhìn chung, Thông tư 21 đã có nhiều quy định “cởi trói”, tạo điều kiện thông thoáng cho việc thành lập và hoạt động của các TTNN. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên thực tiễn, một số quy định trong Thông tư vẫn còn vấp phải hạn chế dẫn đến những khó khăn, vướng cho các doanh nghiệp trong quá trình xin cấp phép thành lập TTNN, đặc biệt là quy định về điều kiện của Giám đốc trung tâm.

Quy định của pháp luật còn chung chung dẫn đến khó khăn trong việc xin cấp phép

Theo quy định, Giám đốc là người đứng đầu TTNN và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của trung tâm, do vậy, cá nhân giữ chức vụ Giám đốc bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Theo Điều 6 Thông tư 21, Giám đốc TTNN phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau: (i) Có nhân thân tốt; (ii) Có năng lực quản lý; (iii) Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương; (iv) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Có thể thấy, các tiêu chuẩn của Giám đốc TTNN được quy định tương đối “mở”, song khi triển khai trên thực tiễn, quy định trên dần bộc lộ một số hạn chế do còn chung chung, không có văn bản hướng dẫn thống nhất từ phía cơ quan nhà nước.

Cụ thể, về điều kiện “có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”, có quan điểm cho rằng, cá nhân phải có kinh nghiệm hoạt động giáo dục trong cùng một lĩnh vực hoặc một lĩnh vực khác tương đương với lĩnh vực hoạt động TTNN thì mới được coi là đáp ứng tiêu chuẩn trên. Chẳng hạn, một cá nhân có kinh nghiệm hoạt động giáo dục trong lĩnh vực tiếng Anh hoặc tiếng Trung có thể được coi là đáp ứng điều kiện trên đối với TTNN tiếng Anh bởi tiếng Anh và tiếng Trung đều thuộc lĩnh vực ngoại ngữ. Nhưng nếu một người chỉ có kinh nghiệm hoạt động giáo dục trong lĩnh vực Toán học thì liệu có đáp ứng tiêu chuẩn trên của Giám đốc của TTNN không? Vấn đề này vẫn đang tồn tại những ý kiến, quan điểm trái chiều giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, việc không lượng hóa cụ thể cũng gây ra một số vướng mắc cho doanh nghiệp khi tiến hành xin cấp phép hoạt động. Do vậy, cần thiết phải có những quy định cụ thể để hóa giải những mâu thuẫn, bất đồng trong quan điểm để việc triển khai cấp phép hoạt động cho các TTNN diễn ra hiệu quả, góp phần hạn chế những tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Điều kiện để được công nhận Giám đốc TTNN: Không chỉ dừng lại ở quy định của pháp luật.

Trong quá trình xin cấp phép hoạt động TTNN, nhiều doanh nghiệp vấp phải tình trạng mặc dù hồ sơ của người được bổ nhiệm làm Giám đốc TTNN đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo Thông tư 21 nhưng vẫn không được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Nguyên nhân là do trong một số cơ quan có thẩm quyền hiện nay vẫn còn tồn tại những điều kiện “bất thành văn”, gây khó khăn cho việc xin cấp phép của doanh nghiệp. Cụ thể những vướng mắc đó là:

Thứ nhất, một người có thể được giữ chức vụ Giám đốc của nhiều TTNN không?

Hiện nay pháp luật không có quy định nên dẫn đến mâu thuẫn về quan điểm giữa cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cho rằng pháp luật không cấm và không có quy định hạn chế nên nếu một cá nhân có khả năng quản lý thời gian và năng lực thì hoàn toàn có thể làm Giám đốc của nhiều TTNN. Nhưng theo quan điểm của một số cơ quan nhà nước, một người không được giữ chức vụ Giám đốc của nhiều TTNN mà chỉ được làm Giám đốc của một TTNN. Lý do được đưa ra rằng, Giám đốc TTNN phải chuyên trách, có trách nhiệm tối đa đối với mọi hoạt động của TTNN, phải nắm rõ và đảm bảo hoạt động của TTNN và báo cáo lên cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý. Nếu một cá nhân làm Giám đốc nhiều TTNN thì sẽ không đảm bảo quản lý, quán xuyến được mọi hoạt động của trung tâm, dẫn đến TTNN không hoạt động hiệu quả, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của trung tâm.

Thứ hai, viên chức có thể đứng tên Giám đốc trung tâm ngoại ngữ không?

Các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc viên chức có được giữ chức vụ Giám đốc TTNN hay không. Hiện nay, pháp luật mới chỉ có quy định về việc viên chức có được quyền quản lý doanh nghiệp hay không.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng không được thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam mà chỉ được quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty. Luật Viên chức 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019 nhấn mạnh thêm, viên chức được quyền góp vốn nhưng không được tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác (Khoản 3 Điều 14). Pháp luật không có phép viên chức được thành lập hay quản lý doanh nghiệp là để nhằm đảm bảo tính chuyên trách, tính trách nhiệm cao nhất khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao phó, tránh sự xao nhãng trách nhiệm, bỏ bê công việc; hạn chế những hiện tượng tiêu cực, đan xen quyền lực. Bản chất của TTNN là một tổ chức có tư cách pháp nhân, trong nhiều trường hợp cũng tiến hành hoạt động kinh doanh như doanh nghiệp, do đó, xuất phát từ tinh thần của Luật Viên chức và các văn bản pháp luật liên quan, có thể nhận định rằng viên chức không được giữ chức vụ Giám đốc – chức vụ quản lý của TTNN, và đây cũng là quan điểm thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tiến hành phê duyệt hồ sơ của Giám đốc TTNN. Về phía doanh nghiệp, cũng tương tự như vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp cho rằng pháp luật không có quy định cấm và cũng không có quy định hạn chế, nên nếu viên chức có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, công vụ được giao thì vẫn có quyền đảm nhiệm Giám đốc trung tâm sau khi đã đáp ứng các điều kiện luật định. Như vậy, có thể thấy quan điểm giữa đang có sự chênh lệch, dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi tiến hành xin cấp phép hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh lại rằng, chính bởi pháp luật không có quy định cụ thể nên đã gây ra những mâu thuẫn, bất đồng trong quan điểm giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, vô hình trung trở thành một rào cản lớn đối với người dân, doanh nghiệp và gây nên nhiều tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục xin cấp phép. Chúng tôi kiến nghị các nhà làm luật cũng như cơ quan nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định trên phù hợp với tình hình thực tế, tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ để thuận tiện hơn cho doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước khi tiến hành thủ tục.

________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm,

Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.234.86.234 – 09.4849.5885

Có thể bạn quan tâm

2 bình luận

Rastrear Teléfono Celular 09/02/2024 - 6:50 sáng

El software de monitoreo remoto de teléfonos móviles puede obtener datos en tiempo real del teléfono móvil de destino sin ser descubierto, y puede ayudar a monitorear el contenido de la conversación.

Phản hồi
sklep online 16/04/2024 - 8:43 sáng

Wow, superb blog layout! How long have you ever been blogging for?
you made blogging glance easy. The full look
of your web site is magnificent, as smartly as the content
material! You can see similar here sklep online

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885