Khi một doanh nghiệp tuyên bố phá sản bao giờ cũng sẽ kéo theo những hậu quả kinh tế – xã hội nhất định mà trực tiếp nhất là ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các chủ nợ, bản thân doanh nghiệp và những chủ thể có liên quan. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho những chủ thể trên, pháp luật hiện hành đã đưa ra những yêu cầu và giải quyết yêu cầu phá sản ở Việt Nam, trong đó có những quy định về chủ thể nộp đơn mở thủ tục phá sản. Bài viết dưới đây sẽ phân tích quy định của Luật Phá sản năm 2014 (Sau đây gọi tắt là “Luật Phá sản”) về chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Thứ nhất, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước cơ quan tài phán. Luật quy định việc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán là một nghĩa vụ bắt buộc mà không phải là quyền, không thể lựa chọn có thực hiện hay không. Vì nó đã gắn nghĩa vụ với những người đại diện hợp pháp, người “thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp”, những người có trách nhiệm hơn cả trong hoạt động của công ty nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của những người liên quan.
Thứ hai, người quản lý của doanh nghiệp: Không phải tất cả những người quản lý doanh nghiệp đều có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Theo quy định của Luật Phá sản 2014, chỉ có Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh mới phải thực hiện việc này (Khoản 4 Điều 5). Đây là những vị trí, chức danh quan trọng trong doanh nghiệp. Những chủ thể này thường là những người chịu trách nhiệm cao nhất trong hoạt động của công ty. Trong doanh nghiệp tư nhân, chỉ có một cá nhân duy nhất làm chủ và cá nhân đó chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Còn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Hai chủ thể nêu trên này đều là chủ duy nhất của doanh nghiệp nên đương nhiên họ phải có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là những người có trách nhiệm và quyền hạn rất lớn trong hoạt đông của công ty. Còn thành viên hợp danh của công ty hợp danh là những cá nhân có quyền trực tiếp tham gia quản lý hoạt động kinh doanh của công ty, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của công ty, tình hình tài chính của công ty luôn được họ nắm bắt đầu tiên, do đó họ phải thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán là hoàn toàn hợp lý.
Chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Thứ nhất, chủ nợ: Chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, bao gồm chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ có bảo đảm (Khoản 3 Điều 4 Luật Phá sản). Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn trong thời hạn ba tháng là quyền của chủ nợ. Về nguyên tắc, các chủ nợ đều bình đẳng như nhau, song không phải chủ nợ nào cũng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chỉ được pháp luật dành cho chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ không có bảo đảm. Quy định như vậy tạo điều kiện cho các chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần có cơ hội lựa chọn một thủ tục thích hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Còn chủ nợ có bảo đảm luôn được ưu tiên thanh toán bằng tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc người thứ ba nên việc quy định quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là không cần thiết.
Thứ hai, người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở: Người lao động là người đóng góp trực tiếp công sức của mình để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán, không dễ gì để doanh nghiệp đó có thể giải quyết các khoản nợ, bao gồm cả nợ lương của người lao động. Hơn nữa, tiền lương còn là nguồn thu nhập chính của họ, thậm chí của cả gia đình họ. Ngoài lương, người lao động còn có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp nợ ba tháng trở lên bao gồm trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quyền lợi khác theo ký kết hợp đồng lao động và thỏa ước lao động lao động tập thể đã ký. Bên cạnh công đoàn cơ sở, quyền được nộp đơn yêu cầu phá sản còn được trao cho người lao động và công đoàn công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong trường hợp công đoàn cơ sở chưa thành lập.
Thứ ba, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng: Để bảo vệ lợi ích của các cổ đông trong công ty cổ phần, đặc biệt là nhóm cổ đông lớn, Luật Phá sản 2014 quy định cổ đông cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Việc xác định quyền nộp đơn yêu cầu của cổ đông thông qua số cổ phần họ nắm giữ tại Luật Phá sản 2014 là cơ sở pháp lí đảm bảo sự công bằng giữa cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu số cổ phần lớn và những cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu số ít cổ phần, giảm bớt sự phụ thuộc của cổ đông nhỏ. Bởi, những cổ đông nắm giữ nhiều cổ phần hơn thường có tiếng nói và nắm phần quyết định về phía mình. Lý do Luật Phá sản 2014 quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải đáp ứng điều sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên và phải sở hữu liên tục ít nhất 06 tháng mới được nộp đơn yêu cầu phá sản là nhằm tránh việc các cổ đông nộp đơn tùy tiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Những cổ đông hoặc nhóm cổ đông này có trách nhiệm cao hơn và nắm rõ hoạt động của công ty hơn. Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 cũng cho phép cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
Thứ tư, thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã: Thành viên của hợp tác xã cũng là những người có đóng góp xây dựng hợp tác xã. Vì vậy, khi hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, họ cũng là những người có quyền được nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Theo Luật Phá sản hiện hành, đây là một quyền, và quyền đó được trao cho các thành viên hợp tác xã, đại diện của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã.
Trên đây là bài viết tư vấn về “Chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản năm 2014” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline : 024.23486234 – 0948495885