Hoạt động thương mại quốc tế được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại hàng hóa, thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thương mại trong lĩnh vực đầu tư…Trong đó các giao dịch trong lĩnh vực thương mại hàng hóa luôn diễn ra sôi động nhất, giữ vị trí trung tâm trong các giao dịch thương mại quốc tế. Bên cạnh hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế ngày càng phát triển, thực tế đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Cụ thể, trong quá trình đàm phán, kí kết các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt là các hợp đồng dài hạn thì việc xảy ra rủi ro dẫn đến tranh chấp phát sinh là điều không thể tránh khỏi. Từ đó, việc nắm rõ các quy định liên quan đến giải quyết các tranh chấp như “miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại” trong pháp luật quốc tế là rất quan trọng. Bài viết sau đây tập trung phân tích những vấn đề lý luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên bán dựa trên điều khoản miễn trách nhiệm do hành vi giao hàng không phù hợp theo quy định của công ước Vienna năm 1980.
Công ước Vienna năm 1980
Công ước Vienna 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (viết tắt theo tiếng Anh là CISG – Convention on Contracts for the International Sale of Goods) được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) với nỗ lực hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
CISG là một hiệp ước hay bản hợp đồng có tính chất ràng buộc giữa các nước. Nó thiết lập một loạt những quy tắc điều chỉnh những mặt cụ thể trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng thương mại giữa người bán và người mua mà trụ sở thương mại của họ ở các nước khác nhau, tạo thuận lợi và hiệu quả cho việc mua bán nguyên liệu thô, hàng tiêu dùng, hàng chế tạo trong thương mại quốc tế.
Vấn đề miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành vi giao hàng không phù hợp trong CISG
Điều 79 Công ước Vienna quy định việc một bên không thể thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng do một “trở ngại” nằm ngoài sự kiểm soát của họ và bên này không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó. Hiệu lực chủ yếu của Điều 79 là cơ sở cho việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên trong hợp đồng. Điều khoản này được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm đối với những rủi ro xảy ra với hàng hóa mà họ không thể tránh được hoặc không thể kiểm soát được. Chế định này được biết đến trong hệ thống thông luật với tên gọi “frustration of contract” và “force majeure” trong hệ thống pháp luật dân sự.
Mặc dù Điều 79 đã quy định về những điều kiện mà bên không thực hiện hợp đồng có thể viện dẫn để miễn trừ trách nhiệm, nhưng điều này lại không phù hợp trong trường hợp người bán giao hàng không phù hợp. Vấn để này trên thực tế đã gây ra tranh cãi giữa các học giả cũng như dẫn đến những quan điểm trái chiều trong thực tiễn giải quyết tranh chấp.
Tại các quốc gia theo hệ thống pháp luật lục địa, việc áp đặt một chế tài bồi thường thiệt hại chỉ dựa trên sự tồn tại của hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được coi là một gánh nặng quá sức và không cần thiết đổi với các thương nhân. Vì vậy, chế tài bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng khi không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, và giới hạn trong những trường hợp bên vi phạm có “lỗi” dẫn đến việc không thực hiện được nghĩa vụ. Bên vi phạm chỉ có thể được miễn trách nhiệm khi có thể chứng minh sự tồn tại một sự kiện vượt quá sự kiểm soát và được dự đoán là nguyên nhân không thực hiện hợp đồng. Như trong trường hợp của Pháp, cho phép “miễn trách nhiệm trong những trường hợp mà việc thực hiện hợp đồng của họ là không thể do những rủi ro đối với hàng hóa mà họ không thể tránh được hoặc không thể kiểm soát được”. Hướng tiếp cận này của Pháp luật Pháp dựa trên nền tảng lý luận học thuyết về sự tự do miễn trách nhiệm để nỗ lực tìm kiếm sự công bằng trong việc phân bố chi phí của những sự kiện không lường trước được giữa các bên, mở rộng các trường hợp được miễn trách nhiệm của bên không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.
Hoa Kỳ và một số quốc gia theo hệ thống thông luật khác ghi nhận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nghiêm ngặt, theo đó trách nhiệm này không được xác định dựa trên yếu tố lỗi, mà chỉ đơn thuần dựa vào việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm. Bên vi phạm chỉ được miễn trách nhiệm và các bên có thể chấm dứt hiệu lực hợp đồng khi có “một sự kiện hoặc một tình huống bất ngờ xảy ra sau khi hợp đồng được ký kết nhưng trước thời điểm thực hiện hợp đồng, là nguyên nhân khiến cho một bên không thể thực hiện nghĩa vụ của mình”. Cụ thể, các trường hợp miễn trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng của người bán tại Điều 2-651 Bộ luật Thương mại Hoa Kỳ không áp dụng trong trường hợp giao hàng không phù hợp, mà chỉ áp dụng với hành vi giao hàng trễ và không giao hàng. Nói cách khác, hệ thống thông luật không bao giờ miễn trách nhiệm cho người bán trong trường hợp giao hàng không phù hợp vì họ phải chịu trách nhiệm pháp lý tuyệt đối với những khuyết tật của hàng hóa.
Với mục đích tạo ra tính đồng bộ và xây dựng các quy phạm trên bình diện quốc tế, các nhà soạn thảo CISG khi xây dựng chế định miễn trách nhiệm trong Công ước Vienna tại Điều 79 đã tránh sử dụng các thuật ngữ của các hệ thống pháp luật quốc gia như force majeure, faustrotion. Thay vào đó, các nhà soạn thảo CISG đã tự xây dựng thuật ngữ riêng là “trở ngại” để chỉ những trường hợp người mua hoặc người bán có thể được miễn trách nhiệm do “không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng bởi một sự kiện ở bên ngoài được đánh giá là đủ quan trọng đề cho phép bên không thực hiện nghĩa vụ được miễn trách nhiệm”. Chính đặc thù này đã đưa đến sự tranh cãi của các học giả đối với trường hợp miễn trách nhiệm do hành vi giao hàng không phù hợp của người bán.
Theo quan điểm của Honnol một học giả theo hệ thống thông luật, để không làm xói mòn nguyên tắc bồi thường thiệt hại nghiêm ngặt cần hạn chế trường hợp miễn trách nhiệm do giao hàng không phù hợp. Honnol đã dựa vào ngôn ngữ và lịch sử của Điều 79, theo đó một bên không thực hiện được hợp đồng chỉ được miễn trách nhiệm do “trở ngại”, là một sự kiện xảy ra sau khi ký kết hợp đồng và tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của người bán. Trong khi đó, một khuyết tật của hàng hóa là một vấn đề thuộc sự kiểm soát và thuộc phạm vị trách nhiệm của người bán, xuất hiện và tồn tại tại thời điểm khi hợp đồng được thực thi. Vì vậy Điều 79 cần được hiểu là chỉ áp dụng khi nghĩa vụ hợp đồng không được thực hiện, mà không thể được áp dụng khi một bên thực hiện không đúng nghĩa vụ, ví dụ như nghĩa vụ giao hàng không phù hợp.
Ngược lại, đại diện của trường phái dân luật Civil law, giáo sư Stoll và Gruber cho rằng, về lý thuyết, cách diễn đạt của Điều 79 cho thấy người bán có khả năng miễn trừ trách nhiệm do giao hàng không phù hợp vì Điều 79 được áp dụng đề miễn trừ trách nhiệm “về việc không thực hiện bắt kỳ một nghĩa vụ nào” của các bên trong hợp đồng. Vì vậy họ đã kết luận rằng Điều 79 có khả năng áp dụng trong những trường hợp này và khẳng định “đây là quan điểm phổ biến”. Tuy nhiên cho đến nay, thực tế cho thấy người bán thường ít khi thành công khi viện dẫn Điều 79 để miễn trừ trách nhiệm khi giao hàng không phù hợp. Để làm rõ việc người bán có thể được miễn trách nhiệm do giao hàng không phù hợp hay không, cần xem xét thêm ở góc độ thực tiễn.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một chế định phức tạp và được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia cũng như quốc tế. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm gây thiệt hại cho bên bị vi phạm trong hợp đồng. Đây là biện pháp giải quyết hậu quả nhằm bù đắp những thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Nâng cao hiểu biết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển nền kinh tế mở và hội nhập kinh quốc tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Các thương nhân phải có hiểu biết rõ về vấn đề này mới có thể nắm rõ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi có rủi ro xảy ra, từ đó nhanh chóng tìm được biện pháp giải quyết nhanh gọn, phù hợp, tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế. Từ đó có thể tạo môi trường mua bán hàng hóa thuận lợi giữa tất cả các thành viên tham gia CISG, thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng.
Trên đây là bài viết tư vấn về “Vấn đề miễn trách nhiệm trong trường hợp vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của bên bán theo quy định của CISG” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
_________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 0948495885
1 bình luận
buy augmentin online canada Furthermore, this should be readily available for review of a patient who might return to the ED soon after discharge