GÓC NHÌN PHÁP LÝ THÔNG QUA VỤ TAI NẠN XẢY RA TẠI KHU CÔNG NGHIỆP ĐIỀM THUỴ – THÁI NGUYÊN

bởi Apra Law

Ngày 01/11/2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vừa xảy ra vụ án tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vụ tai nạn trên xảy ra vào khoảng 1h30 sáng ngày 01/11/2021 khi hai công nhân chở nhau trên xe máy khi đang di chuyển trên đường trong Khu công nghiệp Điềm Thụy đã đâm vào một chiếc cống lớn chắn ngang (Để giữa đường) khiến cả hai tử vong.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trịnh Thuý Huyền – Giám đốc Công ty Luật Apra đã phân tích vụ việc thông qua góc nhìn pháp lý (Bạn đọc có thể tìm đọc bài báo với tiêu đề “Đôi nam nữ tử vong vì đâm vào ống cống: Nhiều hậu quả pháp lý có thể xảy ra” thông qua đường link: https://baophapluat.vn/doi-nam-nu-tu-vong-vi-dam-vao-ong-cong-nhieu-hau-qua-phap-ly-co-the-xay-ra-post420399.html). Ở bài viết này, Luật Apra sẽ tiếp tục phân tích, bình luận dưới góc độ pháp lý sâu sắc hơn liên quan đến vụ việc nêu trên. 

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn và yếu tố lỗi của các bên

Trước hết, cần phải xác định rõ đây là một vụ tai nạn giao thông. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ: “Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ”. Như vậy, mặc dù vụ việc xảy ra trong khu công nghiệp, nhưng vẫn là đường giao thông để đi lại chứ không phải trong phạm vi nhà máy, khu làm việc hay những khu vực được xây dựng riêng biệt để phục vụ riêng cho một mục đích cụ thể (Không phải mục đích đi lại). Khi xem xét  đối một vụ tai nạn giao thông bất kỳ đều phải điều tra rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn và yếu tố lỗi của các bên.

Thứ nhất, về phía nạn nhân: Cần xem xét đến các yếu tố như: Điều kiện khi tham gia giao thông, tốc độ, sự tập trung, quan sát khi tham gia giao thông dẫn đến hành vi đâm vào chiếc cống…

Thứ hai, về nguyên nhân khách quan, trực tiếp khác: Theo báo cáo nhanh của Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên, nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do nạn nhân đâm vào chiếc cống lớn được để giữa đường. Vậy, vấn đề được đặt ra là tại sao chiếc cống lại được đặt ở địa điểm xảy ra tai nạn? Ai là người ra quyết định, đặt chiếc cống tại vị trí này? Việc đặt cống như vậy có vi phạm quy định pháp luật hay không?

Căn cứ tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, các hành vi bị cấm bao gồm: “Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường”. Như vậy chiếc cống này rõ ràng là chướng ngại vật, nhưng nó được để và tồn tại trái quy định hay đúng quy định của pháp luật cần phải được làm rõ, từ đó xem xét được trách nhiệm, lỗi của những tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo thông tin trên một số trang báo (Như báo thanhnien.vn…), chiếc cống được đặt chắn ngang đường nhằm phân luồng, hạn chế phương tiện, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Thông tin này là đúng hay sai, chiếc cống được đặt vào thời gian nào và với mục đích gì, tất cả phải thông qua nghiệp vụ điều tra Cơ quan có thẩm quyền mới có thể đưa đến kết luận rõ ràng.

Tuy nhiên theo quan điểm của Luật Apra, việc để chiếc cống lớn giữa đường dù là với mục đích chống dịch mà không có biển cảnh báo nguy hiểm, không có chốt trực, không có người thực hiện phân luồng là không phù hợp. Hơn nữa, thực tế từ ngày 19/10/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã dừng hoạt động các chốt phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh; các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới từ ngày 27/9/2021 nên các hoạt động phân luồng giao thông, chốt chặn… kể cả trong khu công nghiệp có lẽ đều đã được dỡ bỏ. Vậy vấn đề đặt ra là tại sao chiếc cống không được dỡ bỏ, không được vận chuyển đi nơi khác? Trách nhiệm của người quản lý được xem xét như thế nào? Rõ ràng, trong tình huống này, vụ tai nạn có thể là hậu quả từ hành vi thiếu trách nhiệm của những người liên quan. Vì vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về người đã ra quyết định và/hoặc người đưa chiếc cống này để giữa đường hoặc người chịu trách nhiệm dỡ bỏ chốt, dỡ bỏ việc phân luồng giao thông trên tuyến đường này nhưng không thực hiện việc di chuyển chướng ngại vật.

Trách nhiệm pháp lý có thể xảy ra

Xét về trách nhiệm pháp lý trong vụ việc nêu trên, tùy thuộc vào mức độ lỗi của các bên và sự đánh giá tổng hợp các nguyên nhân dẫn đến tai nạn và hậu quả xảy ra, các bên liên quan có thể phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cản trở giao thông hoặc/và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.

Đồng thời, đây là đường nội bộ trong khu công nghiệp. Ban quản lý khu công nghiệp có trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý, sử dụng công trình giao thông mà cụ thể là con đường giao thông nơi xảy ra tai nạn. Do đó, cần xem xét đến việc liên đới chịu trách nhiệm của Ban quản lý trong việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp Ban quản lý các khu công nghiệp đã thực hiện lắp hệ thống cảnh báo, chỉ dẫn không tham gia giao thông tại khu vực này, nhưng người điều khiển phương tiện giao thông vẫn cố ý di chuyển vào dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng thì Ban quản lý các khu công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cụ thể của vụ việc, theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 63 Nghị định 82/2018/NĐ-CP: “g) Phối hợp với các đơn vị Công an và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khác trong việc kiểm tra công tác giữ gìn an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, xây dựng và đề xuất những biện pháp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự…”

Từ vụ tai nạn thương tâm đến hoàn thiện quy định pháp luật

Nhìn từ vụ việc nêu trên, có thể thấy khung pháp luật Việt Nam vẫn chưa điều chỉnh, quy định đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ của Ban quản lý khu công nghiệp. Do đó, việc Nhà nước ban hành thêm các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết trách nhiệm của Ban quản lý khu công nghiệp đối với việc quản lý vận hành hệ thống hạ tầng trong đó có đường giao thông nội bộ, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ là vô cùng cần thiết. Cùng với đó, cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp của cơ quan công an với Ban quản lý khu công nghiệp để giải quyết các vụ việc như tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng… trong phạm vi khu công nghiệp. Cơ quan công an cấp cơ sở phải thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự tại các khu công nghiệp.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:                     

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

 

Có thể bạn quan tâm

2 bình luận

binance h"anvisningsbonus 09/01/2025 - 9:40 chiều

Your point of view caught my eye and was very interesting. Thanks. I have a question for you.

Phản hồi
创建个人账户 23/03/2025 - 3:36 chiều

Thank you for your sharing. I am worried that I lack creative ideas. It is your article that makes me full of hope. Thank you. But, I have a question, can you help me?

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885