1. Hợp đồng và pháp luật hợp đồng Việt Nam
Theo định nghĩa của Bộ luật Dân sự, hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Từ định nghĩa trên có thể nhận định hai đặc điểm cốt lõi của hợp đồng là “sự thỏa thuận” và hậu quả pháp lý của thỏa thuận đó. Sự thỏa thuận ở đây là sự thống nhất ý chí giữa các chủ thể. Dựa vào động cơ, mục đích, lợi ích các chủ thể thỏa thuận để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
Về hệ thống pháp luật hợp đồng tại Việt Nam, hợp đồng được điều chỉnh ở mọi lĩnh vực trong quan hệ dân sự, từ những hợp đồng là những giao dịch nhỏ lẻ nhất đến những hợp đồng có tính chất quan trọng và quy mô lớn. Tùy vào từng loại giao dịch mà mỗi hợp đồng sẽ được điều chỉnh trong văn bản pháp luật khác nhau, có thể là Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, v.v… tạo thành hệ thống pháp luật hợp đồng Việt Nam.
2. Nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật hợp đồng Việt Nam
Bộ luật Dân sự hiện hành không có quy định cụ thể nào về những nguyên tắc cơ bản này, tuy nhiên dựa trên tính chất của hợp đồng có thể nhận định hợp đồng là một dạng giao dịch dân sự điển hình trong quan hệ dân sự, nên nó cũng sẽ được điều chỉnh bởi những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Theo Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 quy định những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và những đặc điểm của hợp đồng, có thể chỉ ra những nguyên tắc cơ bản sau của pháp luật hợp đồng Việt Nam:
Một là, nguyên tắc tự do ý chí. Tự do ý chí được thệ hiện ở việc các cá nhân trong quan hệ hợp đồng có vị thế bình đẳng với nhau, được quyền thỏa thuận đưa ra các quyền và nghĩa vụ tương ứng giữa các bên trong hợp đồng theo ý chí của mình. Không một ai có quyền áp đặt ý chí của mình lên bên còn lại, hoặc ép buộc đối phương phải thực hiện theo ý chí của mình. Các bên có quyền từ chối giao kết hợp đồng nếu nội dung của hợp đồng không phù hợp với ý chí của bản thân.
Hai là, nguyên tắc tự do trong khuôn khổ. Pháp luật quy định: “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội…” hoặc “việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Như vậy, quyền tự do ý chí giữa các chủ thể trong quan hệ hợp đồng của họ đã bị giới hạn bởi những điều cấm của pháp luật, các chuẩn mực đạo đức xã hội, quyền và lợi ích của các chủ thể khác. Pháp luật suy cho cùng cũng là sự thể hiện ý chí của xã hội và là để bảo vệ lợi ích xã hội, cộng đồng. Pháp luật cho phép các chủ thể được tự do thể hiện ý chí, tự do thực hiện những điều mà pháp luật không cấm. Phạm vi pháp luật không cấm là phạm vi an toàn của xã hội, vì vậy nếu có một chủ thể nào có hành vi nằm ngoài phạm vi này, sự an toàn của xã hội sẽ bị đe dọa. Nguyên nhân là do trong xã hội sẽ luôn tồn tại những nhóm chủ thể yếu thế hơn, dễ bị xâm phạm bởi những quyền và lợi ích của họ rất dễ xung đột với những lợi ích cá biệt của một số chủ thể khác trong xã hội. Tương tự như vậy là các giới hạn đến từ các quy phạm đạo đức xã hội hay tập quán cộng đồng. Tóm lại, nguyên tắc này giúp giữ vững trật tự, sự cân bằng, xu hướng phát triển chung của xã hội.
Ba là, nguyên tắc thiện chí, trung thực. Theo quy định của pháp luật, “cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Đây là giới hạn thứ hai của sự tự do ý chí đã đề cập ở nguyên tắc thứ nhất, sự giới hạn này được thể hiện ở chỗ ý chí của các chủ thể không chỉ để thỏa mãn mong muốn nguyện vọng của bản thân mà nó hướng đến những lợi ích chung. Sự thiện chí còn được thể hiện ở khả năng nhượng bộ, thông cảm đối với những khó khăn, hạn chế của đối phương để hướng tới mục địch giao kết cuối cùng. Thiện chí còn là sự chủ động, tự nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình, chủ động thể hiện ý chí của mình một cách trung thực. Bởi lẽ, các bên có quyền từ chối giao kết nếu nội dung của hợp đồng không thỏa mãn được ý chí của họ, tuy nhiên họ có nhận thức được điều này hay không phụ thuộc rất lớn vào sự thiện chí và trung thực của đối phương.
Bốn là, nguyên tắc hiệu lực ràng buộc của hợp đồng. Pháp luật quy định “cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”. Khi hợp đồng đã được giao kết, quyền và lợi ích của các bên đã có sự liên kết chặt chẽ với nhau, quyền của bên này sẽ là nghĩa vụ của bên kia. Các chủ thể đã bị ràng buộc bởi nghĩa vụ của bản thân trong hợp đồng, việc thực hiện hoặc không thực hiện sẽ tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của bên còn lại. Vì vậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, pháp luật quy định các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong hợp đồng đã giao kết, hoặc ngược lại tự chịu trách nhiệm trước việc không thực hiện nghĩa vụ đó.
Trên đây là bài viết tư vấn về “nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật hợp đồng Việt Nam” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
_________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.234.86.234 – 09.4849.5885
1 bình luận
alo789in: alo789in – alo789hk