Góc nhìn pháp lý trong vụ việc Công ty Việt Á nâng khống giá Kít xét nghiệp COVID-19

bởi Apra Law

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan đến việc mua sắm kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Bước đầu, Cơ quan CSĐT đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng; Phan Quốc Việt (Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Á) đã chi gần 30 tỷ đồng tiền “hoa hồng” ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến – Giám đốc CDC Hải Dương; câu kết với lãnh đạo các đơn vị hợp thức hồ sơ chỉ định thầu và đẩy giá kit cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trịnh Thuý Huyền – Giám đốc Công ty Luật Apra đã phân tích vụ việc thông qua góc nhìn pháp lý (Bạn đọc có thể tìm đọc bài báo với tiêu đề “Vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu…” tại Công ty Việt Á: Hành vi nhận tiền “hoa hồng” có cấu thành tội mới?” thông qua đường link: https://baophapluat.vn/vu-vi-pham-quy-dinh-ve-dau-thau-tai-cong-ty-viet-a-hanh-vi-nhan-tien-hoa-hong-co-cau-thanh-toi-moi-post427842.html). Ở bài viết này, Luật Apra sẽ tiếp tục phân tích, bình luận dưới góc độ pháp lý sâu sắc hơn liên quan đến vụ việc nêu trên. 

Vi phạm nghiêm trọng quy định về đấu thầu của Công ty Việt Á

Theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 (“Luật Đấu thầu”): “Chỉ định thầu được áp dụng đối với các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;…”, vì vậy, bộ xét nghiệm COVID-19 được Bộ Y tế đưa vào danh mục áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Căn cứ theo Điểm b Khoản 2 Điều 38 Luật Đấu thầu quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu đối với chỉ định thầu theo quy trình rút gọn, theo đó, các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế ở các tỉnh, thành phố tự xác định và giao cho đơn vị nhà thầu đủ năng lực cung cấp thiết bị, sau đó thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hoạt động chỉ định thầu rút gọn vì thế trở thành công cụ để các đối tượng dễ dàng trục lợi.

Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm của các địa phương trên cả nước để trục lợi, Công ty Việt Á đã lót tay cho lãnh đạo CDC Hải Dương 30 tỷ đồng để chủ động cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC sử dụng. Ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã thông đồng với lãnh đạo các đơn vị hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con), lập hồ sơ chào sản phẩm, xác nhận khống các báo giá… để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đưa ra cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng, ông Việt thống nhất và chi cho cán bộ, lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Trường hợp xác định có hành vi thông đồng giữa Công ty Việt Á và lãnh đạo CDC Hải Dương trong hoạt động chỉ định thầu rút gọn cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19, ông Phan Quốc Việt cùng các đối tượng liên quan đã vi phạm Khoản 1,2,3,4 Điều 89 Luật Đấu thầu quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu: “Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu và gian lận”. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên tắc đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt giữa bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra căng thẳng trên cả nước.

Ngoài ra, tại Điều 222 Bộ luật Hình sự có quy định về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Căn cứ theo quy định nêu trên, hành vi vi phạm của ông Phan Quốc Việt có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, việc xác định mức độ thiệt hại từ hành vi vi phạm của Công ty Việt Á nêu trên còn phải phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan Công an.

Việc Việt Á chi gần 30 tỷ đồng tiền “hoa hồng” ngoài hợp đồng cho Giám đốc CDC Hải Dương được tách vụ án để xử lý không?

Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”.

Từ quy định trên, có thể tách vụ án trong trường hợp này hay không thì cần phải xác định các vấn đề sau:

Thứ nhất, hành vi chia phần trăm ngoài hợp đồng cho Giám đốc CDC Hải Dương có cấu thành nên tội phạm khác không hay hành vi này cùng được xác định là tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” như hành vi thông thầu, gian lận để can thiệp bất hợp pháp, nâng khống giá Kít xét nghiệm?

Cơ quan điều tra nếu có đủ chứng cứ khẳng định có việc nhận hối lộ và đưa hối lộ giữa Giám đốc Công ty Việt Á và Giám đốc CDC Hải Dương thì các bị can còn có khả năng bị khởi tố với tội danh “Tội nhận hối lộ” và “Tội đưa hối lộ” theo khoản 1, khoản 4 Điều 354 và khoản 1, khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nếu yêu cầu đó từ chức vụ, quyền hạn thì có thể cấu thành tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ. Việc đưa tiền có nhờ người có chức vụ quyền hạn thực hiện theo yêu cầu thì đó là hành vi đưa hối lộ.

Theo điều tra sơ bộ của Cơ quan điều tra, Giám đốc CDC Hải Dương đã có hành vi nhận 30 tỷ đồng tiền “hoa hồng” từ Giám đốc Công ty Việt Á, tuy nhiên cần xác định xem Phạm Duy Tiến có lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình tiếp tay cho Phan Quốc Việt nâng khống giá trị Kit xét nghiệm để nhận khoản tiền đó không thì mới đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.

Thứ hai, trường hợp xác định được hành vi chi tiền ngoài hợp đồng bất hợp pháp là tội phạm về hối lộ, nếu điều tra chung đối với các loại tội phạm này thì có thể hoàn thành điều tra sớm không và nếu tách vụ án ra thì có ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án không. Vấn đề này vẫn cần cơ quan Điều tra xác minh, làm rõ.

Có thu hồi “Huân chương Lao động” hạng Ba đối với Công ty Việt Á?  

Theo các quy định tại Chương 7 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013 (“Luật Thi đua, khen thưởng”), có thể nhận thấy các quy định của Luật này mới chỉ quy định việc xử lý vi phạm, hủy bỏ quyết định khen thưởng đối với cá nhân mà chưa có quy định cụ thể về việc hủy bỏ quyết định khen thưởng với tập thể, tổ chức. Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng thì chưa đủ cơ sở để xác định Công ty Việt Á có bị thu hồi Huân chương hay không.

Tới Nghị định số 91/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/07/2017 hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng (“Nghị định 91”), Điều 78 của Nghị định này đã quy định bổ sung về trường hợp tổ chức “đã được tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng, mà sau đó có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc có sai phạm, khuyết điểm trong khoảng thời gian tính thành tích đề nghị tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng thì tùy theo mức độ sai phạm, khuyết điểm để hạ mức khen thưởng hoặc hủy bỏ quyết định khen thưởng”. Có hai hình thức xử lý vi phạm trong trường hợp này, hạ mức khen thưởng và hủy bỏ quyết định khen thưởng. Tuy nhiên, do “Huân chương Lao động” hạng ba là mức khen thưởng thấp nhất của danh hiệu “Huân chương Lao động”, do đó nếu có xử lý vi phạm thì chỉ có thể xử lý theo hình thức hủy bỏ quyết định khen thưởng.

Từ quy định trên, để xem xét việc xử lý “Huân chương Lao động” hạng ba của Công ty Việt Á, chúng tôi cho rằng cần phải xác định lần lượt các vấn đề pháp lý sau:

Thứ nhất, những sai phạm tại Công ty Việt Á có xảy ra trong thời gian tính thành tích đề nghị tặng hình thức khen thưởng không?

Theo thông tin từ Ban Thi đua – Khen thưởng trung ương, Công ty Việt Á được Chủ tịch nước ký tặng Huân chương vào tháng 03/2021. Trước đó vào tháng 04/2020, Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kít xét nghiệm COVID-19. Sau khi được cấp phép cho đến nay, Công ty này đã các bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố sử dụng. Khoảng thời gian tính thành tích có thể rơi trong khoảng tháng 05/2020 đến tháng 02/2021, nếu hành vi sai phạm được xác định vào khoảng thời gian này thì sẽ rất có khả năng Việt Á sẽ bị xem xét xử lý danh hiệu khen thưởng đã được trao tặng trước đó.

Thứ hai, sai phạm của các lãnh đạo tại Công ty Việt Á có được coi là “sai phạm” theo quy định tại khoản 4 Điều 78 Nghị định 91 để bị xem xét hủy bỏ quyết định khen thưởng của tập thể Công ty này hay không?

Hiện nay, Điều 78 Nghị định 91 chưa xác định rõ “sai phạm” để hạ mức khen thưởng, hủy bỏ quyết định khen thưởng của một tổ chức cụ thể là sai phạm như thế nào, là sai phạm của cả tập thể, hay có thể chỉ là sai phạm của các chức danh lãnh đạo trong công ty. Chúng tôi cho rằng, sai phạm của những cá nhân đứng đầu tập thể có thể là căn cứ để xem xét hạ mức khen thưởng hoặc hủy bỏ quyết định khen thưởng của tập thể, với điều kiện sai phạm đó ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn khen thưởng đã đặt ra trước đó.

Dựa trên thông tin của báo chí, theo đánh giá của chúng tôi, những hành vi như nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chia tiền ngoài hợp đồng dường như không ảnh hưởng đến các tiêu chí xét thưởng. Bởi lẽ, nguyên nhân được trao tặng Huân chương là do công ty này đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Về thời điểm, hành vi sai phạm xảy ra sau khi Công ty này đã hoàn thành nghiên cứu, chế tạo Kít xét nghiệm và được cấp phép lưu hành. Các hành vi vi phạm liệt kê ở trên không có tác động rõ ràng tới thành tích xuất sắc đã đạt được của Việt Á.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cần phải điều tra làm rõ, đánh giá thêm sự ảnh hưởng của các hành vi sai phạm đến tiêu chí xét thưởng để có căn cứ xử lý. Thiết nghĩ, cần phải tách bạch giữa “công” và “tội”, không thể phủ nhận toàn bộ công lao to lớn của tập thể Công ty Việt Á với công tác phòng, chống đại dịch của đất nước khi xem xét, xử lý sai phạm của các lãnh đạo và một số nhân viên trong Công ty này. Việc xử lý vừa phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vừa phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Việt Á.

Từ những lập luận trên, chúng tôi cho rằng rất khó để thu hồi “Huân chương Lao động” hạng 3 của Công ty Việt Á nếu dựa theo các quy định pháp luật còn chung chung và nhiều vướng mắc như hiện nay.

_________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:                     

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline: 024.23486234 – 0948495885

Có thể bạn quan tâm

2 bình luận

Suivre Téléphone 08/02/2024 - 8:42 chiều

Lorsque vous oubliez le mot de passe pour verrouiller l’écran, si vous n’entrez pas le mot de passe correct, il sera difficile de le déverrouiller et d’y accéder. Si vous trouvez que votre petit ami / petite amie est suspect, vous avez peut-être pensé à pirater son téléphone Samsung pour obtenir plus de preuves. Ici, nous vous fournirons la meilleure solution pour déchiffrer le mot de passe du téléphone mobile Samsung.

Phản hồi
Suivre le téléphone 11/02/2024 - 3:23 sáng

Meilleure application de contrôle parental pour protéger vos enfants – Moniteur secrètement secret GPS, SMS, appels, WhatsApp, Facebook, localisation. Vous pouvez surveiller à distance les activités du téléphone mobile après le téléchargement et installer l’apk sur le téléphone cible.

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885