Theo Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013,“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Về bản chất, tranh chấp đất đai là một dạng của tranh chấp dân sự về quyền và nghĩa vụ đối với quyền tài sản, trong trường hợp này là tranh chấp về quyền sử dụng đất. Giải quyết tranh chấp đất đai tại Toà án được thực hiện theo các trình tự, thủ tục tố tụng dân sự quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13.
Trong phạm vi bài viết này, Luật Apra đề cập về vấn đề thẩm quyền của Toà án trong giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 92/2015/QH13 (BLTTDS 2015) và theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 (Luật đất đai 2013).
Thẩm quyền của toà án theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015
Căn cứ theo các quy định tại Chương III BLTTDS 2015 quy định về thẩm quyền của Toà án, thẩm quyền của Toà án trong giải quyết tranh chấp đất đai được xác định như sau:
Thứ nhất, theo Khoản 2 Điều 26 BLTTDS 2015, vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Trong tranh chấp đất đai, các bên có tranh chấp về quyền sử dụng đất, do đó tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Cụ thể hơn, tại Khoản 9 Điều 26 BLTTDS 2015, Toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thứ hai, thẩm quyền toà án theo cấp được quy định tại Mục 2 Chương III BLTTDS 2015. Cụ thể, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 35, Toà cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về đất đai. Trường hợp đương sự ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà cấp huyện mà sẽ thuộc thẩm quyền của Toà cấp tỉnh theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 37 BLTTDS 2015
Thứ ba, thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ quy định tại Điều 39 BLTTDS 2015. Điểm c Khoản 1 Điều 39 quy định đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Toà án nơi có bất động sản được quyền giải quyết tranh chấp.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2013
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Toà án. Cụ thể:
Trường hợp một: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
Trường hợp hai: trường hợp đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 mà lựa chọn hình thức khởi kiện tại Toà án thì Toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Đất đai 2013, Nhà nước khuyến khích việc các bên giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải tại cơ sở. Trường hợp hoà giải không thành và không thuộc vào trường hợp một nêu trên, các bên có thể lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013.
Ví dụ: Vụ tranh chấp giữa bà Trần H và cụ Nguyễn B. Cụ Trần K và cụ Nguyễn B (cụ K đã chết từ lâu) được cha, mẹ để lại cho mảnh đất có diện tích là 709m2 tại xã T, huyện L, tỉnh TG và do cụ B đứng tên trong sổ địa chính của xã. Bà H là con gái đầu của hai cụ, lấy chồng nhà kế bên. Từ những năm 1988 đến năm 1990, vợ chồng bà H đã san lấp ao, quản lý sử dụng diện tích đất là 129m2 nằm trong mảnh đất có diện tích 709m2 nói trên và xây nhà tạm trên diện tích đất đó mà cụ B không có ý kiến gì. Nay bà H muốn khởi kiện cụ B tại TAND huyện L, tỉnh TG yêu cầu được tách mảnh đất có diện tích là 129m2 để đứng tên bà hoặc yêu cầu cụ B thanh toán cho bà tiền san lấp ao và giá trị công trình xây dựng trên đất đó. Tòa án nhân dân Huyện L có thụ lý đơn của bà H không?
Theo Đơn khởi kiện, bà H yêu cầu tách thửa để thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất 129m2. Yêu cầu này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo quy định của BLTTDS 2015 và các trường hợp quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013. TAND huyện L sẽ không thụ lý đơn khởi kiện của bà H.
Trong trường hợp bà H và cụ B có tranh chấp về quyền sử dụng mảnh đất 129m2, thì căn cứ vào các quy định Điều 203 Luật Đất đai 2013, Khoản 9 Điều 26, Điểm a Khoản 1 Điều 35, Điểm c Khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 Toà án huyện L nơi có bất động sản sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Trên đây là bài viết tư vấn về thẩm quyền của Toà án trong giải quyết tranh chấp đất đai của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
_________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: info@apra.vn
Hotline: 024.23486234 – 0948495885
2 bình luận
I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.
alo 789: alo789hk – alo789 dang nh?p