HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

bởi Apra Law

Nhãn hiệu luôn đi liền với sản phẩm và có vai trò, chức năng rất quan trọng không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà cả trong đời sống xã hội, cùng với đó thì nhãn hiệu đang là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp bị xâm phạm nhiều nhất. Các hành vi xâm phạm nhãn hiệu chủ yếu nhằm mục đích làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng về hàng hoá, dịch vụ mà họ chuẩn bị mua. Trong bài viết dưới đây, Luật Apra sẽ phân tích về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 (Sau đây gọi tắt là “Luật SHTT”).

1. Khái niệm hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

Khoản 1 Điều 129 Luật SHTT quy định các hành vi được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là việc sử dụng nhãn hiệu đang được bảo hộ không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và không thuộc các trường ngoại lệ pháp luật cho phép sử dụng.

2. Các dạng hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

2.1. Hành vi xâm phạm nhãn hiệu thông thường

Thứ nhất, sử dụng dấu hiệu trùng cho hàng hóa, dịch vụ trùng. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 129 Luật SHTT. Đây là hành vi sử dụng dấu hiệu giống hệt hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ cùng bản chất, chức năng và phương thức thực hiện chức năng với hàng hóa, dịch vụ đăng ký theo nhãn hiệu. Hành vi trên là hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (Điều 213 Luật SHTT) và là hành vi xâm phạm nhãn hiệu ở mức độ nghiêm trọng và khó phát hiện nhất. Ví dụ, ông H sử dụng dấu hiệu “Red Bull” có hình hai con vật húc nhau màu đỏ trên vỏ lon nước uống tăng lực đã xâm phạm nhãn hiệu “Red Bull và hình” của Công ty TNHH công nghiệp dược phẩm TC Thái Lan đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam cho sản phẩm lon nước uống tăng lực.

Thứ hai, Sử dụng dấu hiệu trùng cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan. Hành vi này được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 129 Luật SHTT đó là việc sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Đây là hành vi sử dụng dấu hiệu giống hệt hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan về bản chất, tính năng, công dụng, phương thức thực hiện chức năng hoặc phương thức lưu thông trên thị trường đến mức gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Đặc điểm trên do tính chất của hàng hóa, dịch vụ quyết định. Ví dụ, hành vi của công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh (Hà Nội) sử dụng dấu hiệu “TRƯỜNG SINH” cho sản phẩm sữa đậu nành xâm phạm nhãn hiệu “TRƯỜNG SINH” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận 27280, ngày 15/6/1998 cho sản phẩm sữa đặc có đường và sữa bột (Nhóm 29) của Công ty sữa TNHH Việt Nam Foremost.

Thứ ba, sử dụng dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn cho hàng hóa, dịch vụ trùng. Sử dụng dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn cho hàng hóa, dịch vụ trùng được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 129 Luật SHTT. Đây là hành vi sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu về cấu tạo, cách phát âm cách trình bày và ý nghĩa cho hàng hóa, dịch vụ cùng loại với hàng hóa, dịch vụ đăng ký kèm theo nhãn hiệu. Ở đây, dấu hiệu tương tự là yếu tố quyết định tính chất của nhóm, cũng là yếu tố rất khó xác định. Ví dụ, hành vi sử dụng dấu hiệu “AQUAVISA và hình” của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cho sản phẩm nước tinh khiết đóng chai (Hà Nội) xâm phạm nhãn hiệu “AQUAFINA” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận 41971, ngày 09/07/2002 của Pepsi Co, Inc (Hoa Kỳ) cho các sản phẩm Nhóm 32.

Thứ tư, sử dụng dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan. Hành vi này cũng được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 129 Luật SHTT. Đây là trường hợp sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu về cấu tạo và cách trình bày cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan với hàng hóa, dịch vụ đăng ký kèm theo nhãn hiệu về bản chất, chức năng, cách thức thực hiện chức năng, công dụng và phương thức lưu thông. Việc đánh giá tính chất “tương tự gây nhầm lẫn” của nhóm này là khó khăn và mang tính chủ quan nhất trong các nhóm hành vi xâm phạm tương đối. Ví dụ, hành vi sử dụng dấu hiệu “SAMSUNG” trong tên công ty của công ty dịch vụ sửa chữa điện thoại di động là  xâm phạm nhãn hiệu “SAMSUNG & hình chữ SAMSUNG lồng trong hình elip” được công ty SAMSUNG ELECTRONICS CO., LTD đăng ký độc quyền cho nhóm điện thoại di động vào năm 2014.

2.2. Hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng

Đa số các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới đều được Việt Nam bảo hộ dựa trên cơ sở cam kết quốc tế, thỏa thuận song phương hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, do đó việc chứng minh một hành vi xâm phạm nhãn hiệu thuộc nhóm này sẽ dễ dàng hơn. Với các nhãn hiệu nổi tiếng quốc gia, việc công nhận sẽ khó hơn dựa trên việc nhãn hiệu phải được chứng minh thỏa mãn các tiêu chí của Điều 75 Luật SHTT nên các hành vi xâm phạm nhóm đối tượng này cũng khó xác định hơn. Những hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật SHTT.

Thứ nhất, sử dụng dấu hiệu trùng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ có khả năng gây nhầm lẫn. Đây là hành vi sử dụng dấu hiệu giống hệt hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu trúc và cách trình bày với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn. Ví dụ, hành vi sử dụng dấu hiệu “Honda” cho sản phẩm kẹo của một hãng kẹo ở Thành phố Hồ Chí Minh được coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng Honda.

Thứ hai, sử dụng dấu hiệu tương tự cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ có khả năng gây nhầm lẫn. Đây là hành vi sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng về tổng thể cấu trúc và cách trình bày cho các hàng hóa, dịch vụ nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn. Ví dụ, sử dụng dấu hiệu “TESC TOYOTA Đông Sài Gòn và hình” cho các hàng hóa và dịch vụ của Công Ty Cổ Phần Toyota Đông Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) được coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng TOYOTA.

Trên đây là bài viết về “Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.

________________________________

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH APRA

Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: info@apra.vn

Hotline : 024.23486234 – 0948495885

2 bình luận

Rastrear Celular 09/02/2024 - 12:30 sáng

Quando suspeitamos que nossa esposa ou marido traiu o casamento, mas não há evidências diretas, ou queremos nos preocupar com a segurança de nossos filhos, monitorar seus telefones celulares também é uma boa solução, geralmente permitindo que você obtenha informações mais importantes.

Phản hồi
Rastrear Celular 12/02/2024 - 6:30 sáng

Localize por meio do software de sistema “Find My Mobile” que acompanha o telefone ou por meio de software de localização de número de celular de terceiros.

Phản hồi

Để lại bình luận

0948 49 5885