Tổ chức họp Đại Hội đồng cổ đông trong thời gian giãn cách cộng đồng

bởi Apra Law

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp (DN) phải xin hoãn thời hạn họp đại hội đồng cổ đông (ÐHĐCÐ) thường niên. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, ĐHĐCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Làm thế nào để DN không “lỡ hẹn” ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 là vấn đề rất đáng quan tâm.

Trong thời gian thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên theo đúng lịch dự kiến.

Đến nay, nhiều Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn trả lời doanh nghiệp về việc chấp thuận hoãn Họp ĐHĐCĐ thường niên nhưng không quá không quá ngày 30/6/2020. Tuy nhiên, làm cách nào để DN thực thi được thời hạn này lại là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh khó xác định thời điểm kết thúc dịch.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nếu cuộc họp ĐHĐCĐ không được tổ chức kịp thời sẽ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến cả lợi ích của các cổ đông và các bên có liên quan. Bởi, nhiều vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận và thông qua tại cuộc họp như: kế hoạch kinh doanh hằng năm, báo cáo tài chính; phân chia lợi nhuận…

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… đã coi đây là lý do bất khả kháng và cho phép DN được giãn thời hạn nộp báo cáo tài chính cũng như ÐHCÐ ít nhất thêm 2 tháng.

Tại Việt Nam, Luật DN quy định cuộc họp ĐHĐCĐ không thể tổ chức theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản như các cuộc họp cổ đông thông thường, do thời hạn ÐHCÐ được quy định trong Luật Doanh nghiệp, nên quyền quyết việc giãn, hoãn thuộc Quốc hội.

Hiện nay nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp DN tổ chức các cuộc họp trực tuyến một cách hiệu quả. Các ứng dụng này không phải bây giờ mới xuất hiện như dịch vụ bỏ phiếu điện tử (E-Voting) có thể thay thế cho biểu biểu quyết trực tiếp tại ĐHĐCĐ truyền thống. Theo Điều 140 Luật DN, có 4 phương thức để được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ là: tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp; ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp; tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác; gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, có một số vướng mắc khi DN sử dụng dịch vụ này. Trong đó, theo Điều 142 của Luật DN, để sử dụng các hình thức bỏ phiếu điện tử, điều lệ công ty phải có quy định cụ thể về hình thức này. Do chưa có kế hoạch áp dụng hình thức bỏ phiếu điện tử nên điều lệ của nhiều DN chưa được sửa đổi bổ sung nội dung này và việc triệu tập ĐHĐCĐ để sửa đổi tại thời điểm này không dễ dàng. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Nghị định 71/2017/NĐ-CP, công ty đại chúng có trách nhiệm quy định tại quy chế nội bộ về quản trị công ty trong việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu tại cuộc họp.

Luật Apra kiến nghị Chính phủ cần sớm đề xuất lên Quốc hội những điểm khó thực tế mà DN và thị trường đang phải đối mặt, với hy vọng Quốc hội sẽ có quyết sách cho phép các DN được giãn thời hạn họp đại hội, “tháo” cho DN nỗi lo phạm luật trong hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch năm nay hoặc các trường hợp “bất khả kháng” tương tự có khả năng xảy ra trong tương lai.

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
☎️Địa chỉ : Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
☎️ Hotline : 024.23486234

 

 

Có thể bạn quan tâm

Để lại bình luận

0948 49 5885